Những chiến sĩ quân y của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), không ngại nguy hiểm vượt biển chuyên chở những sinh mệnh vốn đang "thập tử nhất sinh" về đất liền an toàn, cứu chữa kịp thời.
TTXVN - Những chuyến bay vượt biển của họ đã giúp giữ lại mạng sống cho nhiều cán bộ, chiến sĩ, ngư dân đang công tác, lao động sản xuất trên vùng biển Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Họ là những chiến sĩ quân y của Tổ cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), được ví như những "người vận chuyển" không ngại nguy hiểm vượt biển chuyên chở những sinh mệnh vốn đang "thập tử nhất sinh" về đất liền an toàn, cứu chữa kịp thời.
"Người vận chuyển" sinh mệnh
19 giờ 30 phút, Đại úy, bác sĩ Đinh Văn Hồng nhận được mệnh lệnh bay cấp cứu ra Trường Sa đón hai bệnh nhân về đất liền. 30 phút sau, Tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất, trực thăng EC225 của Binh đoàn 18 đã chờ sẵn, tất cả lên đường, trực chỉ đảo Sinh Tồn thuộc Trường Sa. Tại đây, tổ cấp cứu đã đón bệnh nhân Nguyễn Kim Phi bị ngộ độc và nhiễm trùng huyết và bệnh nhân Nguyễn Tràm bị giảm áp mức độ nặng do lặn biển. Hai bệnh nhân được vận chuyển ngay về đất liền trong đêm và đến sáng sớm hôm sau về đến Bệnh viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh an toàn. Sau khi bàn giao xong bệnh nhân, tổ bay được về nghỉ ngơi, kết thúc chuyến bay cấp cứu đi và về trong đêm thành công. Đây chỉ là một trong 20 chuyến bay cấp cứu của Đại úy, bác sĩ Đinh Văn Hồng, Tổ trưởng Tổ cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 thực hiện trong 7 năm qua.
Nhớ lại lần đầu tiên bước lên chuyến bay cấp cứu bằng trực thăng, bác sĩ Hồng chia sẻ: "Lần đầu tiên bay cấp cứu, tôi vô cùng lo lắng và hồi hộp bởi tính chất cấp cứu bằng trực thăng khác hoàn toàn với cấp cứu ở đất liền. Trực thăng chật hẹp, ồn và luôn chao đảo, việc trao đổi chuyên môn, thực hiện các thao tác cấp cứu rất khó khăn. Chúng tôi đã luôn cố gắng khắc phục để giữ cho bệnh nhân luôn an toàn".
Không ít lần bác sĩ Hồng và Tổ cấp cứu đường không gặp phải các tình huống khó khăn trong quá trình bay cấp cứu đưa người bị nạn về bờ. Đó là những lúc thời tiết xấu, mưa to gió lớn, buộc phải bay thấp hay có những khi máy bay gặp sự cố trên đường đi. Cũng có khi, bệnh nhân đột ngột chuyển biến nặng khiến anh và đồng đội phải xoay vần liên tục trong suốt nhiều giờ bay. Đặc biệt, trong một lần tiếp nhận một bệnh nhân bị ngã từ trên cao xuống, chấn thương sọ não nhưng do thiết bị ngoài đảo hạn chế nên không thể chụp, chiếu để kiểm tra hết các tổn thương của người bệnh. Sau khi đặt nội khí quản, Tổ cấp cứu vận chuyển bệnh nhân về đất liền nhưng giữa đường bệnh nhân bị ngừng tim, tràn dịch màng phổi. Trong không gian chật hẹp và trực thăng liên tục chao đảo do thời tiết xấu, ê-kíp cấp cứu 3 người đã phải liên tục thay nhau ép tim, dẫn lưu màng phổi không ngơi nghỉ. Nhờ những nỗ lực đó, bệnh nhân khi về đất liền vẫn giữ được sinh hiệu, được cấp cứu thành công, trở về với đời thường. Hoàn thành chuyến bay cấp cứu trong trạng thái rã rời nhưng bác sĩ Hồng rất vui bởi đã giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử.
Có số chuyến bay cấp cứu ra Trường Sa ít hơn nhưng với Thượng úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch, mỗi chuyến bay là một thử thách bởi đa số bệnh nhân được lệnh đưa về đất liền là những bệnh nhân nặng, vấn đề làm sao đảm bảo an toàn cho họ trên suốt chuyến bay vô cùng khó khăn.
"Cấp cứu đường không nguy hiểm luôn rình rập bởi chúng tôi luôn phải đối mặt với những rủi ro như thời tiết xấu, sự cố máy bay hay cả việc một số nơi như nhà giàn, đảo nhỏ, việc tiếp cận bệnh nhân khó khăn. Thú thật, mỗi lần bước lên máy bay để ra Trường Sa vận chuyển cấp cứu về đất liền là mỗi lần chúng tôi lo lắng. Làm sao để đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân lẫn tổ bay luôn điều quan trọng nhất", bác sĩ Bạch bộc bạch.
Bác sĩ Tạ Văn Bạch vẫn nhớ như in khoảng một năm trước, lúc 20 giờ, anh nhận được lệnh lên đường bay cấp cứu. Khi tất cả đã sẵn sàng lên trực thăng, cả ê-kíp nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới gây mưa to gió lớn trên vùng biển đi qua. Cả ê-kíp phải hoãn chuyến bay, chờ đợi. "Suốt đêm, chúng tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh, thầm cầu mong họ chờ được chúng tôi đón về", bác sĩ Bạch kể lại. Đến 7 giờ hôm sau, khi thời tiết khá hơn, tổ bay lập tức lên đường dù hoàn lưu của áp thấp vẫn còn gây mưa lớn trên biển. Mưa lớn khiến máy bay phải bay thấp, tầm nhìn hạn chế, các nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cả tổ bay vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bởi họ biết ở ngoài đảo xa, người bệnh đang chờ, nếu họ không đến, tính mạng của người bệnh sẽ khó lòng đảm bảo.
Đại tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, từ năm 2012 đã có những chuyến bay vận chuyển người bệnh từ Trường Sa về đất liền cấp cứu. Tuy nhiên, phải đến năm 2016, hoạt động bay cấp cứu đưa cán bộ, chiến sĩ, ngư dân đang làm việc tại Trường Sa và các vùng biển của Tổ quốc về đất liền mới được tổ chức một cách bài bản, chính quy khi Thông tư 193/BQP về quy chế tổ chức vận chuyển, cấp cứu người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển, đảo, vùng sâu, vùng xa bằng máy bay quân sự được ban hành. Từ đây, Bệnh viện Quân y 175 thành lập Tổ cấp cứu đường không với 12 thành viên gồm 8 bác sĩ và 4 điều dưỡng. Đến nay, Tổ cấp cứu đường không đã thực hiện được gần 100 chuyến bay và 100% đều thực hiện cấp cứu thành công. Điều này đồng nghĩa có thêm 100 sinh mạng quý giá của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đang công tác, lao động, sản xuất trên các quần đảo và vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc được cứu sống. Trong số các chuyến bay cấp cứu, có đến 65% là ngư dân đang lao động, sản xuất trên biển, chỉ có khoảng 35% là cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa. “Bất cứ ai, dù là cán bộ, chiến sĩ hay người dân khi gặp nạn, có các sự cố về sức khỏe, nếu vượt quá khả năng chuyên môn đều được chúng tôi đưa về đất liền cứu chữa kịp thời", bác sĩ Ân cho biết.
Niềm vui sau mỗi chuyến bay
Ngồi dậy, đi lại sau 15 ngày nằm trên giường bệnh, anh Trịnh Tân Tiến (31 tuổi, ngụ thị xã Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận) kể lại, rạng sáng 1/10, anh và các ngư dân khác đang khai thác hải sản trên tàu cá BĐ 96714 TS. Anh bị trượt chân ngã, người đập mạnh vào dây túi kéo cá của tàu. Anh được đưa vào Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu và xác định anh bị chấn thương bụng kín, dập vỡ gan độ 4, chảy máu trong ổ bụng mức độ nhiều và mất máu. Do tình trạng quá nặng, anh Tiến được đưa lên trực thăng vận chuyển về đất liền và được cá bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 thực hiện phẫu thuật ngay. Sau mổ 15 ngày, anh Tiến đã gần như hồi phục.
“Lúc bị té, tôi cứ nghĩ là mình sẽ chết bởi đang ở giữa biển khơi, làm sao có thể cứu được mình. Nhờ có các y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế Trường Sa và đặc biệt là các chiến sĩ đã cho tôi máu, rồi được tổ bay đưa về đất liền kịp thời, tôi đã sống sót”, anh Tiến bày tỏ. Không giấu nổi những giọt nước mắt sung sướng, ông Trịnh Tân Tý, cha của anh Tiến chia sẻ: “Khi nghe tin con bị tai nạn nặng ở ngoài khơi, gia đình rất lo lắng. Khi biết con được đưa từ Trường Sa về đất liền, các bác sĩ tiến hành điều trị cho con ở mức cao nhất, chúng tôi như vỡ òa niềm vui”.
Cũng được các cứu thoát trong gang tấc nhờ có chuyến bay cấp cứu, anh Mai Xuân Bình (50 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình) vẫn nhớ như in ngày định mệnh 16/5/2022. Khi đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết thuộc Trường Sa, anh Bình đau bụng dữ dội kèm nôn ói. Trong khi cơn đau bụng không thuyên giảm, tình trạng khó thở lại xuất hiện khiến anh lơ mơ dần. Đến khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang ở Bệnh viện Quân y 175. "Tôi nghe bác sĩ nói mình bị nhiễm khuẩn tiêu hóa, biến chứng tim mạch, suy đa tạng và được đưa về đất liền ngay trong đêm. Tôi đã hôn mê suốt 62 ngày trên giường bệnh, các bác sĩ đã làm tất cả để cứu tôi. Nhờ có các bác sĩ, tôi đã sinh ra được lần thứ 2", anh Bình xúc động. Trong ngày chồng được xuất viện, chị Trương Thị Phương Thảo, vợ anh Bình không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc, bày tỏ: "Các y bác sĩ đã trao lại cho gia đình chúng tôi một người chồng, người cha".
"Chứng kiến những nụ cười, giọt nước mắt đoàn viên của người bệnh và gia đình, chúng tôi cũng vui lây. Có lẽ đây là niềm vui, là phần thưởng xứng đáng cho những gì mà chúng tôi đã cố gắng", bác sĩ Tạ Văn Bạch chia sẻ.
Với bác sĩ Đinh Văn Hồng, mỗi lần nhận được những món quà nhỏ khi chai nước mắm, lúc lại mớ cá khô từ những ngư dân được đưa về đất liền cứu sống, khóe mắt anh đều cay cay: "Những món quà nhỏ thôi, chúng tôi thấy thật cảm động, ấm lòng. Tôi vui vì biết rằng sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần, họ đã trở về với đời thường, tiếp tục vươn khơi bám biển".
Điều mà các thành viên của Tổ cấp cứu đường không tự hào đó là những chuyến bay của mình luôn kịp thời, đã "cướp" được thời gian vàng trong cửa sổ cấp cứu và điều trị. Đa số các bệnh nhân khi được lệnh chuyển về đất liền là những ca bệnh nặng. Vì thế, áp lực của người làm cấp cứu đường không là rất lớn, làm sao đưa bệnh nhân về đất liền trong thời gian sớm nhất nhưng cũng phải an toàn nhất. Đặc biệt, kể từ khi Bệnh viện Quân y 175 đưa vào hoạt động sân bay trực thăng trong khuôn viên bệnh viện, thời gian vận chuyển người bệnh đã giảm đáng kể, tăng thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân.
Mỗi lần bước lên trực thăng cấp cứu là một lần đối mặt với hiểm nguy. Nhưng chỉ cần có lệnh, Tổ cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 lại nhanh chóng lên đường, bất chấp ngày hay đêm, trời êm hay biển động. 100% chuyến bay đảm bảo an toàn, cứu sống toàn bộ người bệnh, người bị nạn đưa vào đất liền là minh chứng cho lòng quả cảm của các anh. Thượng úy, bác sĩ Đinh Văn Hồng lý giải một cách ngắn gọn. "Bởi vì chúng tôi là những người lính". Những người lính - thầy thuốc ấy coi sứ mệnh cứu người từ Trường Sa là "mệnh lệnh từ trái tim", là nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó./.