Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, huyện Lộc Hà quyết định hỗ trợ xây dựng nhà thờ cho liệt sỹ và thân sinh của các liệt sỹ .
Nỗ lực thực hiện công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện nhiều chính sách nhằm tri ân thân nhân liệt sỹ và người có công; tiêu biểu là việc xây dựng nhà thờ cho các liệt sỹ không còn người thân, không có nơi thờ tự.
Nhà thờ cúng liệt sỹ Hồ Lệ ở thôn Phù Ích, xã Ích Hậu là một trong những công trình được xây dựng đầu tiên khi có chủ trương của Thường trực Huyện ủy Lộc Hà. Liệt sỹ Hồ Lệ (sinh năm 1932) lên đường nhập ngũ năm 1953 và hy sinh ngày 7/5/1954 tại đồi Him Lam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 2003, các cháu của liệt sỹ đã làm một gian nhà nhỏ bên góc vườn nhà anh Hoàng Văn Bình (cháu ngoại của liệt sỹ) để thờ cúng. Sau nhiều năm sử dụng, căn nhà đã xuống cấp, việc thờ cúng không đảm bảo. Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, chính quyền các cấp và dòng họ đã vận động con em xa quê, các tấm lòng hảo tâm quyên góp kinh phí để xây nhà thờ cúng cho liệt sỹ Hồ Lệ.
Anh Hoàng Văn Bình bày tỏ, sau một thời gian thi công, căn nhà rộng 45m2 kiên cố đã hoàn thành. Nhờ vậy, dòng họ đã có nơi khang trang, chu đáo hơn để yên tâm thờ cúng liệt sỹ.
Nhà thờ cúng liệt sỹ Hồ Lệ có chi phí xây dựng 120 triệu đồng, trong đó, anh Lê Văn Tú, con em xã Thạch Châu hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ 70 triệu đồng, 50 triệu còn lại được ông Nguyễn Văn Sửu (Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh huyện Lộc Hà) tài trợ. Trong quá trình xây dựng, dòng họ, bà con chòm xóm, các tổ chức đoàn thể cùng đến tham gia ngày công dọn dẹp.
Ông Nguyễn Văn Sửu, chia sẻ: “Tôi cũng có người thân là liệt sỹ nên khi thấy các anh không có nơi thờ tự đã thôi thúc tôi phải có sự đóng góp để tri ân công lao của các anh. Tôi mong việc làm của mình sẽ lan tỏa để có thêm nhiều nhà hảo tâm khác chung tay trong phong trào đền ơn, đáp nghĩa, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ sau”.
Tại xã Hộ Độ, nhà thờ của liệt sỹ Nguyễn Văn Thiết cũng được các nhà hảo tâm, người dân địa phương chung tay xây dựng.
Liệt sỹ Nguyễn Văn Thiết (sinh năm 1944) tại thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ. Khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh và hàng trăm người con của quê hương lên đường tòng quân nhập ngũ. Từ năm 1964 - 1966, anh cùng đơn vị tham gia hàng chục cuộc chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên, đánh chiếm cao điểm 341 Tân Lâm, Làng Vây, sân bay Tà Con, Khe Sanh… góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Lam Sơn 719. Anh đã hy sinh tại nơi đây vào ngày 15/7/1966. Việc hương khói lâu nay do cháu họ trông nom nhưng phải thờ chung trong nhà thờ họ Nguyễn Đình.
Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, ghi nhận sự cống hiến của liệt sỹ Nguyễn Văn Thiết, đồng thời góp phần làm vơi bớt đau thương của gia đình và dòng họ, huyện Lộc Hà quyết định hỗ trợ xây dựng nhà thờ cho liệt sỹ Nguyễn Văn Thiết và thân sinh của liệt sỹ. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương, anh Nguyễn Khắc Hóa (thị trấn Lộc Hà) tài trợ 95 triệu đồng để xây dựng công trình. Ngôi nhà được xây dựng trong khuôn viên nhà thờ Nguyễn Đình, với diện tích khoảng 25m2. Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm, tri ân sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân từ huyện đến cơ sở với các đối tượng gia đình chính sách.
Theo Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Trương Bá Khanh, ngoài việc xây dựng nơi thờ tự, địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng nghiêm trang, đàng hoàng thì phong trào vận động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà thờ cho các liệt sỹ càng củng cố niềm tin của người dân về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà cấp ủy, chính quyền các địa phương đang ra sức thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lộc Hà cho biết, đối tượng để xây dựng nhà thờ là những liệt sỹ không còn gia đình, con cái. Từ cuối năm 2021 đến nay, địa phương đã xây dựng được 11 nhà thờ liệt sỹ với kinh phí từ 150-200 triệu đồng/nhà để xóm làng, dòng họ chăm lo, hương khói, thờ tự trong ngày giỗ chạp, ngày lễ lớn của dân tộc. Cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Hà đã nỗ lực liên hệ, kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn, con em xa quê. Thông qua các đợt gặp mặt hội đồng hương ở các tỉnh, thành phố hoặc mỗi dịp Tết, lễ hội khi có đông đảo con em trở về, lãnh đạo huyện đều kêu gọi nguồn lực để xây dựng nơi thờ tự cho các liệt sỹ. Chính quyền các địa phương còn kêu gọi sự hỗ trợ về vật chất và ngày công từ các dòng họ, nhân dân trong thôn, xóm và các đoàn thể chính trị xã hội./.