Thời sự

Nghệ An: Triển khai quyết liệt, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Nghệ An

Với kết quả đạt được năm 2022, Nghệ An đứng thứ 22/63 địa phương trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ; quy mô nền kinh tế của Nghệ An đứng thứ 12 cả nước.

(TTXVN) Ngày 9/12, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm.

Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An từ trên cao. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức (TTXVN)

HĐND tỉnh Nghệ An đã thống nhất thông qua 19 nghị quyết, tạo cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Điển hình là Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2023; Nghị quyết về kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết quy định cơ chế đặc thù về điều tiết 100% nguồn thu tiền sử dụng đất (từ các dự án có thu tiền sử dụng đất) cho ngân sách cấp tỉnh để tạo nguồn vốn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không quốc tế Vinh và đầu tư xây dựng cầu dẫn nối Quốc lộ 7C với cảng nước sâu Cửa Lò…

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nghị quyết nghiêm túc ngay từ khâu tuyên truyền, quán triệt đến xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, bố trí nguồn lực, đảm bảo thực thi có hiệu quả cao nhất.

Ông Thái Thanh Quý nhấn mạnh bốn nhóm giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch đã đề ra; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án trọng điểm có tính kết nối, lan tỏa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thành thủ tục, khởi công hai dự án hạ tầng chiến lược Cảng biển nước sâu Cửa Lò và mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh; tích cực tham mưu mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh gắn với việc thực hiện sắp xếp địa giới hành chính của cả nước giai đoạn 2; mở rộng Khu kinh tế Đông Nam để tạo động lực, không gian phát triển mới.

Ông Thái Thanh Quý yêu cầu các ngành, địa phương chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ngay từ đầu năm. Đặc biệt, quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 gắn với điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch và xử lý vốn dự phòng ngân sách địa phương... Song song đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.

Năm 2022, tỉnh hoàn thành đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Kinh tế phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,08%. Với kết quả này, Nghệ An đứng thứ 22/63 địa phương trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ; quy mô nền kinh tế của Nghệ An đứng thứ 12 cả nước. Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng ổn định. Dự kiến đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75,18% tổng số xã; 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14% so với năm 2021. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 4,45 triệu lượt người. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,55%; là năm thứ 2 liên tiếp vượt chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 20.370 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt mốc 20 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương. Đặc biệt, Nghệ An lần đầu lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là 939,45 triệu USD...

UBND tỉnh đề ra 28 chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9-10%, thu ngân sách 15.857 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 56-57 triệu đồng; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu, 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới...

Để đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với rà soát, đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng trọng điểm; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; rà soát, xử lý dự án treo, chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích.../.

Bích Huệ

Xem thêm