Xã hội

Nghị quyết 136/2024/QH15 mở cánh cửa mới để Đà Nẵng phát triển

Đà Nẵng

Nghị quyết 136 gồm 30 cơ chế, chính sách, trong đó có 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị, ngoài ra có 21 cơ chế, chính sách đặc thù, qua đó nền kinh tế Đà Nẵng kỳ vọng sẽ có những hướng đi mới, đón đầu xu hướng thế giới.

Công trình dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) với dự án xây dựng hạ tầng bến cảng Liên Chiểu. 
Ảnh: TTXVN phát

Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (Nghị quyết 136) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Nghị quyết số 136 được kỳ vọng mở ra “cánh cửa mới”, tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát huy tối đa các lợi thế, phát triển bứt phá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; giúp Đà Nẵng có nguồn lực tốt hơn, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực và cả nước.

* Hưởng lợi từ cơ chế, chính sách đặc thù

Nghị quyết 136 gồm 30 cơ chế, chính sách, trong đó có 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị thành phố. Ngoài ra có 21 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo… Qua đó, nền kinh tế thành phố được kỳ vọng sẽ có những hướng đi mới, đón đầu xu hướng thế giới; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại thời gian qua để trở thành trung tâm kinh tế của khu vực, của cả nước và thế giới.

Từ tháng 1/2024, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã công bố quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) để phối hợp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử; trong đó, chỉ có 6 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, với khoảng 550 kỹ sư, số lượng này còn khá khiêm tốn. Vì vậy để tạo đà phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn theo Nghị quyết 136, UBND thành phố đã chủ động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp lớn, khẩn trương chuẩn bị cơ sở hạ tầng...

Một góc Đà Nẵng
Ảnh: TTXVN

Không chỉ tập trung các lĩnh vực mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo… Nghị quyết 136 còn mang lại “luồng gió mới”, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế từ lâu đã được xem là thế mạnh của thành phố.

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, bên cạnh các lĩnh vực mới, Nghị quyết 136 cũng sẽ góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng cho ngành du lịch Đà Nẵng. Việc Đà Nẵng mở rộng thêm các lĩnh vực kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư mới sẽ giúp thành phố có thêm lực lượng lao động lớn, giúp phát triển mọi mặt về thương mại, dịch vụ, du lịch.

Còn theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương, mọi lĩnh vực của ngành công thương đều sẽ được hưởng lợi từ Nghị quyết 136. Cụ thể, Nghị quyết 136 đã cho phép thành phố thực hiện các dự án PPP (đối tác công tư) thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ. Chính sách sẽ tạo điều kiện để thành phố thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng các công trình chợ trên địa bàn thành phố; phát triển hoạt động thương mại bán lẻ gắn với du lịch, đồng thời đảm bảo các yếu tố về an sinh xã hội dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 136 cũng cho phép đơn vị sự nghiệp công lập được thành phố giao quản lý và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách. Điều này sẽ góp phần giải quyết bức xúc về nhu cầu mặt bằng để sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ; giảm thiểu tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư...

Ngoài ra, Nghị quyết 136 còn có chính sách cho phép thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với việc xây dựng các hạng mục, công trình hình thành trung tâm logistics. Điểm nổi bật nhất của Nghị quyết 136 là cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, hiện thành phố đang quyết liệt nghiên cứu kế hoạch thực hiện. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc phát triển Khu thương mại tự do là cách thức hiệu quả để rút ngắn thời gian và chi phí cho thành phố Đà Nẵng thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới…

* Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống

Các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội đang mở ra những vận hội mới cho Đà Nẵng, giúp thành phố phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới. Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân toàn thành phố đang quyết tâm huy động các nguồn lực, tập trung thực hiện các kế hoạch, giải pháp đồng bộ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, triển khai Nghị quyết 136, thành phố đang tập trung nguồn lực để thực hiện tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng về: quản lý tài chính, ngân sách; quản lý đầu tư; quản lý đô thị; ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo…

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Ảnh: Quốc Dũng-TTXVN

Đồng thời, thành phố đang ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược để có nguồn lực mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết 136; trong đó, thành phố ban hành danh mục cụ thể các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút để các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Lê Thanh Tùng, để đưa Nghị quyết 136 vào cuộc sống thì trước mắt, thành phố đang tập trung huy động nguồn lực từ các dự án đầu tư công, đây được coi là nguồn vốn “mồi” để mời gọi, hấp dẫn các nguồn lực đầu tư khác trong nước và quốc tế. Đồng thời, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chủ đầu tư khi triển khai các dự án trên địa bàn thành phố.

Thành phố sẽ có nhiều thuận lợi khi triển khai Nghị quyết 136 vì đa số các cơ chế, chính sách đặc thù đều đã được thực hiện ở các địa phương khác nên từ khi xây dựng, đề xuất dự thảo Nghị quyết, Đà Nẵng đã nghiên cứu, rút kinh nghiệm phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, đây không phải là lần đầu Trung ương quan tâm, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với Đà Nẵng, nên thành phố đã có kinh nghiệm trong việc triển khai trước đó…

Để đôn đốc triển khai Nghị quyết 136, Thành ủy Đà Nẵng đã Ban hành Chỉ thị số 44 - CT/TU ngày 22/7/2024; HĐND thành phố Đà Nẵng đã có Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 30/7/2024; UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 1800/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15…

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, để triển khai Nghị quyết 136, thành phố đã làm việc với các nhà đầu tư, đối tác chiến lược và tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn; cũng như tiến hành khảo sát, dự kiến vị trí và định hướng xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. UBND thành phố cũng xác định 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với 2 phụ lục chi tiết về các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phân công từng địa phương, đơn vị triển khai. Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương bạn để thành phố sớm triển khai Nghị quyết số 136 vào cuộc sống và đạt được hiệu quả cao nhất./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm