Xã hội

Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư

Đà Nẵng

Đà Nẵng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 gắn với chủ đề “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng, đã giải ngân được 558,117 tỷ đồng, đạt 46% tổng mức đầu tư.
 Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Xác định việc thu hút đầu tư giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến việc khơi thông nguồn lực đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Nhờ đó, tình hình kinh tế thành phố có nhiều điểm sáng, khẳng định là trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung.

 Khơi thông nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo sự bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố. Từ đầu năm, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt nghị quyết của Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 gắn với chủ đề “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Chính quyền thành phố tiếp tục rà soát đánh giá tốc độ tăng trưởng GRDP, tập trung vào các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn có đóng góp quan trọng để có giải pháp thúc đẩy, phấn đấu GRDP năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao nhất. Cùng với đó, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung ương tham mưu trình cấp có thẩm quyền Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam; lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để thực hiện đầu tư tổng thể và quản lý khai thác, vận hành Bến cảng Liên Chiểu.

Địa phương tập trung kích cầu du lịch, tổ chức định kỳ một số lễ hội đặc sắc vào mùa thấp điểm; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù phục vụ triển khai các công trình, dự án động lực, trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến cuối năm 2024 tỷ lệ giải ngân đạt 95% kế hoạch Trung ương giao…

Lễ thông xe tuyến đường giao thông kết nối đường Đường tỉnh 601 và thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) có tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng.
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

 Ngay từ đầu năm 2024, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chủ động, chỉ đạo việc quán triệt, cụ thể hóa và tích cực phối hợp triển khai Kết luận số 77-KL/TW, ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị về thực hiện Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”, Kết luận số 79-KL/TW, ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 136/2024/QH15, ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

 Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch, chống thất thu ngân sách Nhà nước; cho chủ trương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhờ đó, tình hình kinh tế thành phố có nhiều điểm sáng, tính chung 9 tháng năm 2024, GRDP thành phố ước tăng 6,5%, quy mô nền kinh tế ước đạt 111,5 nghìn tỷ đồng.

 Thành phố đã khởi công, khánh thành nhiều dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh. Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 đạt gần 19,5 nghìn tỷ đồng; trong đó thu nội địa đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng. Thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội với nhiều chính sách vượt trội...

 * Đà Nẵng đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp

 Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho hay, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 136/2024/QH15, cho phép Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 Đặc biệt, Quốc hội đồng ý cho thành phố thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, gắn với Cảng biển Liên Chiểu, nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Nằm ở trung tâm miền Trung Việt Nam, Đà Nẵng có điều kiện giao thông thông suốt, dễ dàng kết nối với các tỉnh thành lân cận và quốc tế. Sự thuận tiện về mặt địa lý giúp Đà Nẵng thu hút đầu tư từ khu vực, đồng thời kích thích dòng chảy thương mại và dịch vụ từ các tỉnh, thành phố khác. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Khu thương mại tự do.

Khu vực biển triển khai Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. 
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

 Ông Mai Công Hồ, Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng (SDN) cho rằng, Đà Nẵng vừa mới được Quốc Hội cho phép thành lập Khu thương mại tự do, gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Đây được xem như là động lực để thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố.

 Tổng Giám đốc Công ty Murata Việt Nam Hiroyuki Okuda cho hay, Công ty có hơn 3.000 công nhân viên đang làm việc và đã xây dựng, mở rộng nhiều phân xưởng sản xuất với quy mô hiện đại. Công ty rất chú trọng đến vấn đề đào tạo nhân tài, không ngừng hợp tác với nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thực hiện nhiều chương trình hợp tác như trao học bổng, sắp xếp sinh viên thực tập…

 Để có được những thành quả này, Công ty luôn nhận được sự quan tâm và giúp đỡ từ phía lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng. Trong đó, sự hợp tác và kết nối với các doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức xã hội có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển doanh nghiệp. Tuy vậy, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của Công ty là vấn đề tuyển dụng lao động phổ thông. Do tình hình sản xuất tăng cao, Công ty cần tuyển nhiều nhân sự hơn để đáp ứng nhu cầu mở rộng, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Vì vậy, Công ty mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và vượt qua khó khăn này.

 Chia sẻ về cách thức thu hút đầu tư, ông Bùi Lê Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng Công ty Cổ phần Long Hậu cho hay, từ góc nhìn của đơn vị đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp đa quốc gia, để thu hút đầu tư, các doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu và trải nghiệm của nhà đầu tư qua từng giai đoạn. Cụ thể, doanh nghiệp phải đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư ứng dụng hiệu quả, tối ưu chi phí và mở rộng linh hoạt; tập trung quảng bá dựa trên trải nghiệm của nhà đầu tư bằng các công cụ truyền tải thông tin một cách dễ dàng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải cùng nhà đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục pháp lý, rút ngắn thời gian triển khai dự án và nhanh chóng đi vào vận hành./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm