Xã hội

Người cựu chiến binh luôn hết mình vì Tổ quốc, nhân dân

Khánh Hòa

Những thành tích của ông Thành đã góp phần tạo nên hình ảnh cựu chiến binh thời bình luôn hết mình vì nhân dân; đồng thời là một nhân chứng lịch sử chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thống nhất toàn vẹn non sông.

Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành với kỷ vật chiếc võng trong thời gian ông hoạt động cách mạng 1968 -1975 tại Khánh Hòa. 
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Ở tuổi 80, Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa vẫn cần mẫn với các công việc thiện nguyện mỗi ngày, hạnh phúc vì được sống và cống hiến trong thời bình.

Sinh ra ở vùng đất Hải Dương, tháng 6/1963, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Thành lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ tại nước bạn Lào, giải phóng Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng). Trở về Việt Nam, ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân. Khi tốt nghiệp, ông Thành được phong quân hàm Thiếu úy, sau đó nhận công tác tại Đại đội Đặc công 88 thuộc Tỉnh đội Khánh Hòa với chức danh Trung đội trưởng.

Kể về Chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Thành vẫn nhớ khoảng khắc đêm 29 Tết. Thời điểm đó, Trung đội của ông được phân công phối hợp với Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 20 Sao Thủy, xuất phát từ Đồng Bò, vượt qua Sông Tắc (xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang) để đánh chiếm Đài Phát thanh Nha Trang, khu vực Mã Vòng. “Chúng ta đánh bất ngờ, nhưng địch cũng nhanh chóng báo động và đánh trả. Đến 4 giờ sáng mùng 1 Tết, quân ta tiếp cận được Đài Phát thanh Nha Trang nhưng không đánh chiếm được, buộc phải rút lui về căn cứ, chỉ để lại một đơn vị trụ lại ở khu vực đồi Trại Thủy (gần Mã Vòng, Nha Trang). Mặc khác, ở chiến khu Đồng Bò, ta cũng bị thiệt hại do địch tăng cường lực lượng, rải chất độc hóa học nhằm tìm kiếm, phát hiện và hủy sức chiến đấu của ta”, ông Thành nhớ lại.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành nhờ có nghề bấm huyệt gia truyền, thăm khám cho người dân. 
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Từ năm 1973 - 1975, khi làm trợ lý tác chiến của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, ông Thành đã trực tiếp tham mưu cho cấp trên về tình hình hoạt động của địch trong toàn tỉnh để có những phương án tác chiến phù hợp, góp phần vào thành công của Chiến dịch giải phóng tỉnh Khánh Hòa. Chỉ trong vòng 3 ngày (29/3 - 1/4/1975), Sư đoàn 10 và các đơn vị phối hợp đã đập tan tuyến phòng thủ kiên cố của địch tại đèo M’Đrắk - Phượng Hoàng (dài gần 20km, nằm giữa Đắk Lắk - Khánh Hòa), mở toang cánh cửa xuống vùng đồng bằng ven biển. Tin chiến thắng của ta từ đèo Phượng Hoàng gây ra sự hoảng loạn trong hàng ngũ địch. Bất chấp lệnh giới nghiêm, quân lính và công chức ngụy quyền ở Nha Trang tự động tháo chạy. Đến chiều 2/4/1975, quân và dân địa phương phối hợp cùng Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng thị xã Nha Trang và các huyện lân cận, sau đó tiến tới giải phóng Cam Ranh, sào huyệt cuối cùng của địch tại Khánh Hòa. Lúc 16 giờ ngày 28/4, bộ đội ta tiếp tục giải phóng đảo Trường Sa, đảo xa nhất nằm ở phía Nam của quần đảo...

Đối với Đại tá Nguyễn Văn Thành, tháng 4 cách đây 50 năm không chỉ là một sự kiện lịch sử trọng đại, mà còn là dấu mốc mở ra độc lập - tự do - hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. “Anh em chúng tôi nhiều người ở trên rừng quanh năm, khi xuống Nha Trang làm nhiệm vụ giải phóng tiếp quản, không kịp quen ánh điện của thành phố, rất bỡ ngỡ; nhưng nhìn cảnh người dân hồ hởi đón bộ đội giải phóng về ai cũng vui mừng, phấn khởi. Ngày 30/4 lịch sử, ở Nha Trang, người dân vui mừng trẩy hội. Hôm 1/5/1975, người dân thành phố Nha Trang ra đường dự lễ mít tinh giải phóng, cảnh tượng đó thật đẹp”, ông Thành cảm thán.

Sau năm 1975, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành tiếp tục làm nhiệm vụ giúp đỡ nước bạn Campuchia. Trở về, ông công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa cho đến khi nghỉ hưu. Hiện nay, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành là Phó Chủ tịch Hội truyền thống kháng chiến yêu nước tỉnh Khánh Hòa, đồng thời tích cực  tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành bìa phải trong một lần tham gia hành trình quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ. 
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Ông Thanh cho biết, năm 2013, khu vực đèo Rù Rì, thành phố Nha Trang là nơi ông tham gia tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ để lại nhiều ấn tượng. Bởi, mỗi lần tìm kiếm ở khu vực này, cả đội của ông thường triển khai cả tháng trời, chẳng kể thời gian mà không có kết quả. Tình cờ, vào chiều 23/3/2013, trong khi xúc đất để thi công con đường qua đèo Rù Rì, công nhân lái máy xúc đã phát hiện khu mộ tập thể 23 liệt sĩ. Xác định đây là hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông cùng với địa phương và đội quy tập mộ liệt sĩ đã cất bốc hài cốt các liệt sĩ đưa vào an táng thành một khu mộ chung tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, thành phố Nha Trang.

Hiện nay, ông Thành vui sống khỏe với con cháu mỗi ngày. Sẵn có nghề bấm huyệt gia truyền, ông chữa trị cho người dân trong vùng. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông không lấy tiền, ngược lại còn hỗ trợ các vị thuốc để người bệnh điều trị. Cùng với đó, ông Thành và người thân cũng tổ chức nấu cháo thiện nguyện, phát miễn phí cho các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Mỗi suất cháo không lớn, nhưng ấm lòng tình cảm của ông dành cho người bệnh.

Ông Thành đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, cho biết rất hạnh phúc vì mỗi ngày đều đang là người có ích, có khả năng giúp đỡ một phần cho xã hội, đồng nghiệp. Khi được mời gặp mặt nói chuyện “truyền lửa” cho các đơn vị, ông rất vui vẻ nhận lời tham gia. Ông mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, tạo thành sức mạnh nội sinh to lớn, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa ghi nhận và đánh giá cao sự năng nổ, tích cực của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành trong những hoạt động thiện nguyện, tham gia công tác quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giáo dục về nguồn. Trong quá khứ, những công lao, chiến công, thành tích của cựu chiến binh Thành đã được các cấp chính quyền công nhận. Ngày nay, những thành tích của ông Thành đã góp phần tạo nên hình ảnh cựu chiến binh thời bình luôn hết mình vì nhân dân; đồng thời là một nhân chứng lịch sử chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thống nhất toàn vẹn non sông. Đại tá Thành cũng là đại biểu cựu chiến binh của tỉnh Khánh Hòa vinh dự được tham dự cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hồi đầu tháng 4/2025./.

Phan Thị Sáu

Xem thêm