“Cả cuộc đời sống hết mình cùng âm nhạc và vì âm nhạc, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đi vào lịch sử nhạc mới Việt Nam với vị thế một ngọn cờ đầu của âm nhạc Cách mạng, với danh hiệu mà những người yêu nhạc đã phong tặng ông: Nhạc sĩ nhân dân”.
(TTXVN) Ngày 25/12, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời”, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nhà phê bình âm nhạc và đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, con trai Nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh ngày 10/12/1922 tại làng Vạc (nay là thôn Hoạch Trạch) xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuổi trẻ của ông gắn bó với thành phố Hải Phòng. Say mê âm nhạc từ nhỏ, tự tìm học các nhạc cụ dân tộc và châu Âu, bằng con đường tự học, từ năm 18 tuổi, những tác phẩm đầu tay của ông đã thấm đượm tinh thần yêu nước và đã được phổ biến rộng rãi.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có một cuộc đời rất sôi động, phong phú. Ông là nhạc sĩ đầy tài năng và còn là nhà hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, từ những ngày hoạt động bí mật, tù đày, những năm tháng chiến khu, kháng chiến chống Pháp, những năm đem sức lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước.
Ông không chỉ là tác giả những ca khúc bất hủ, những tác phẩm nhạc kịch, khí nhạc bề thế, mà còn là người tìm đường cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông luôn trăn trở tìm tòi về mối quan hệ biện chứng giữa tiếp thu, phát triển vốn âm nhạc dân tộc và tiếp nhận, chuyển hóa nhuần nhuyễn giá trị âm nhạc hiện đại quốc tế…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Ánh, sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã làm cho tên tuổi ông trở nên sáng chói. Nhạc sĩ đã để lại cho kho tàng âm nhạc mới Việt Nam một khối lượng lớn các tác phẩm âm nhạc thuộc nhiều thể loại khác nhau.
Thực tế cho thấy, những hệ giá trị về tư tưởng, văn học - nghệ thuật và cả học thuật được kết tinh trong di sản âm nhạc nói chung, lĩnh vực sáng tác ca khúc nói riêng của Nhà soạn nhạc - Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống đương đại. Tên tuổi của ông được lịch sử âm nhạc Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao về tài năng cũng như những cống hiến sáng tạo to lớn mà nhạc sĩ đã để lại cho hậu thế.
Theo nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã để lại trong lịch sử nhạc mới hình ảnh một con người đa năng trong hoạt động âm nhạc, một tác giả đa dạng về thể loại âm nhạc và đa sắc trong tính cách âm nhạc.
Hơn 1/4 thế kỷ làm Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam - vị Tổng thư ký đầu tiên và lâu năm nhất (1957-1983), ông rất quan tâm đến phong trào sáng tác. Đặc biệt, ở khóa II dài nhất, 20 năm, được gọi là “nhiệm kỳ máu và hoa”, là lúc phát triển rực rỡ nhất của âm nhạc cách mạng, đúng nghĩa “âm nhạc đồng hành cùng dân tộc”, hào hùng và bi tráng với các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở miền Bắc, “Hát cho đồng bào tôi nghe” ở miền Nam, với chương trình “Khắp nơi ca hát” trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam…
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận để lại cho đời nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau cả trong thanh nhạc và khí nhạc, từ ca khúc quần chúng đến ca kịch và nhạc kịch, từ độc tấu hòa tấu thính phòng đến tổ khúc giao hưởng. Chú trọng tính dân tộc và hiện đại, ông là người tiên phong trong thử nghiệm “Việt hóa” một số thể loại thanh nhạc phương Tây: hành khúc dân tộc và opera Việt Nam…
“Cả cuộc đời sống hết mình cùng âm nhạc và vì âm nhạc, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đi vào lịch sử nhạc mới Việt Nam với vị thế một ngọn cờ đầu của âm nhạc Cách mạng, với danh hiệu mà những người yêu nhạc đã phong tặng ông: Nhạc sĩ nhân dân”, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu khẳng định.
Các tham luận tại hội thảo đã đi sâu vào nghiên cứu sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận dưới góc độ khoa học, phân tích những yếu tố tạo nên con người và tác phẩm của ông, từ chất liệu sáng tác cho đến giai điệu, tiết tấu, hòa thanh… những yếu tố âm nhạc làm nên sự khác biệt giữa âm nhạc Đỗ Nhuận với các nhạc sĩ cùng thời.
Bên cạnh đó, các tham luận tập trung vào phân tích những là tính tư tưởng, tính triết lý, những quan niệm của Đỗ Nhuận về âm nhạc, về lĩnh vực sáng tác phong phú và rộng, bao trùm cả thanh nhạc và khí nhạc. Từ ca khúc, ca khúc thiếu nhi, đến trường ca, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ, nhạc giao hưởng, nhạc kịch, ca cảnh, nhạc phim, nhạc múa rối...
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu, nhạc sỹ cũng đề cập và ghi nhớ đến việc Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người đầu tiên đưa thể loại opera vào Việt Nam. Ông còn là một cây viết về lý luận phê bình âm nhạc, mặc dù ông không phải là nhà lý luận chuyên nghiệp - nhưng những bài viết, bài nói chuyện, tranh luận của ông về âm nhạc cho thấy: dù trên lĩnh vực nào; sáng tác, lý luận, biểu diễn, sư phạm, con người Đỗ Nhuận - nhạc sĩ - chiến sĩ luôn hoạt động sáng tạo với mục tiêu vì nước, vì dân, lấy âm nhạc phục vụ Tổ quốc, xây dựng nền âm nhạc mới hoàn chỉnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.