Để khôi phục không gian diễn xướng cho dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Theo lộ trình, tỉnh sẽ tập trung khôi phục không gian diễn xướng, trò diễn xướng trên sông Lam, diễn xướng phường Vải ở Nam Đàn, phường Chài vùng đồng bằng ven biển Cửa Lò, Nghi Lộc…
(TTXVN) Từ bao đời nay, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh luôn có một sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nghệ Tĩnh. Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm, không gian diễn xướng được xác định là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để dân ca ví, giặm được hồi sinh, phát triển. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm trong đời sống hiện nay đã bị sân khấu hóa và đang mai một dần.
* Làn điệu sản sinh từ lao động
Hình thành trong cuộc sống lao động sản xuất, không gian văn hóa hay còn gọi là không gian diễn xướng của ví, giặm xứ Nghệ rất đặc sắc, gắn chặt với không gian, môi trường lao động của nhân dân như: không gian đồng ruộng, không gian rừng núi, không gian lao động sông nước…Nhịp điệu của ví, giặm đa phần là nhịp điệu lao động, ca từ mang nét thuần nông chân chất, bộc lộ tính uyên bác sâu sắc. Một khi làn điệu ví, giặm được cất lên, người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, mà còn thấy được trong đó cả một nền văn hóa xuất phát từ trong lao động sản xuất của cha ông ta.
Sản sinh từ lao động, các làn điệu dân ca ví, giặm có môi trường diễn xướng tương đối tự do, linh hoạt trong mọi không gian và thời gian. Tuy nhiên, cũng có những sinh hoạt mà không gian, thời gian bị quy định chặt chẽ như hát ví phường vải. Nhiều nghệ nhân cho rằng, trước đây, thời gian hát phường vải thường bắt đầu vào chập tối, khi nhà nhà lên đèn, chị em ngồi quay xa, kéo sợi, còn các chàng trai chơi hát dập dìu ngoài ngõ… và kết thúc vào lúc nửa đêm, gần sáng.
Không gian cuộc hát dần thay đổi theo thời gian: lúc đầu hai bên nam nữ có khoảng cách, người trong nhà, kẻ ngoài ngõ; về sau, khi cuộc hát đã đến hồi thân thiết, gắn bó, các chàng trai mới được mời vào trong sân, trong nhà. Không gian, thời gian ấy được tuân thủ theo từng bước trong thủ tục cuộc hát từ hát chào hỏi đến hát đối đáp và cuối cùng là hát tiễn.
Ngày nay, hát phường vải hay hò, ví, giặm chỉ được hát trên sân khấu, chính bởi điều này việc phục dựng lại không gian, môi trường diễn xướng gặp những khó khăn nhất định.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Tâm, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca huyện Thanh Chương cho rằng, môi trường diễn xướng của dân ca ví, giặm là môi trường của lao động; không gian của dân ca là không gian của vũ trụ bao la với sông, đồng ruộng, núi non, biển cả…Không gian mà chúng ta đang bảo tồn dân ca ví, giặm hiện nay là không gian nhân tạo, trên sân khấu, lễ hội… không đủ sức để tái tạo, phản ánh không gian ban đầu của dân ca.
Các Câu lạc bộ dân ca ở các địa phương của huyện Thanh Chương, mỗi lần tham gia liên hoan dân ca hay tổ chức biểu diễn dân ca phục vụ nhân dân, khó khăn nhất vẫn là dựng lại khung cảnh xưa. Để tái hiện lại, các Câu lạc bộ phải đi thuê trang phục, đạo cụ biểu diễn, huy động hội viên làm đạo cụ, tuy nhiên cũng chỉ tái hiện một phần nào đó khung cảnh mà thôi.
Để khôi phục lại không gian, môi trường diễn xướng của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, trong tất cả các cuộc liên hoan dân ca được tổ chức thường niên hàng năm, Ban tổ chức quy định: mỗi chương trình tham dự đòi hỏi phải đảm bảo 70% yếu tố nguyên gốc ở các môi trường, không gian, hình thức diễn xướng kể cả trang phục, đạo cụ, nhạc cụ.
Tuy nhiên, theo chị Hoàng Thị Cẩm Vân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca ví, giặm phường Vinh Tân, thành phố Vinh, khó khăn nhất của Câu lạc bộ lúc này vẫn là xây dựng không gian, đạo cụ và hạt nhân dân ca. Giờ đây, hát dân ca được lưu truyền, phát triển nhưng để gắn với môi trường, không gian diễn xướng như xưa thì khó có thể làm được.
Hơn nữa, các nghệ nhân gạo cội còn lại rất ít, đòi hỏi các Câu lạc bộ dân ca ở cơ sở phải công phu trong tìm hiểu, sưu tầm đạo cụ của dân ca cổ để diễn xuất đúng với bản sắc vùng miền.
Trong đời sống đương đại hiện nay, do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, dân ca ví, giặm đã tách khỏi môi trường diễn xướng vốn có của nó và thay thế bằng hình thức diễn xướng chuyên nghiệp với: sân khấu, đạo diễn, trang phục, ánh đèn. Thiếu môi trường diễn xướng đích thực, nhiều điệu ví, hò nổi tiếng Nghệ Tĩnh như, ví đan lát, ví dệt vải, ví xay gạo, hò kéo gỗ, hò trên sông mất dần trong đời sống xã hội.
Để bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, bên cạnh đưa dân ca vào trường học, tỉnh Nghệ An đã thành lập được hơn 150 Câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở các địa phương. Các Câu lạc bộ dân ca ví, giặm ra đời đã góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa, bảo tồn dân ca ví, giặm mà cha ông để lại.
Ông Nguyễn Trọng Tâm, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Hưng Tân huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cho rằng, những lời hát dân ca hôm nay đã mang dáng dấp, hơi thở của cuộc sống hiện đại. Đó là những lời hát ca ngợi nông thôn mới, phản ánh thói hư tật xấu trong xã hội, tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước… Không gian, môi trường diễn xướng phải là những khung cảnh của hôm nay, của cuộc sống hiện tại. Có như thế, dân ca mới phát huy, mới thu hút được nhiều quần chúng nhân dân tham gia chứ không bó hẹp trong một thực thể nhất định nào.
* Đưa di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trở lại với người dân
Để khôi phục không gian diễn xướng cho dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Theo lộ trình, tỉnh sẽ tập trung khôi phục không gian diễn xướng, trò diễn xướng trên sông Lam, diễn xướng phường Vải ở Nam Đàn, phường Chài vùng đồng bằng ven biển Cửa Lò, Nghi Lộc…
Thực tế cuối tháng 10 vừa qua, tại Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã tổ chức không gian diễn xướng và giao lưu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy và đưa di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trở lại với người dân, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh.
Không gian diễn xướng và giao lưu dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ được tái hiện bởi những hình ảnh gần gũi với làng quê xứ Nghệ như cây đa, bến nước, sân đình, khung cửu, xe tơ,...
Đến với không gian diễn xướng dân ca ví, giặm vào những dịp cuối tuần tại phố đi bộ thành phố Vinh, du khách và người dân vừa được thưởng thức những làn điệu dân ca mộc mạc, sâu lắng do các nghệ Nhân Ưu tú, các Câu lạc bộ dân ca ví, giặm thể hiện, được giao lưu trải nghiệm hát dân ca và thưởng thức các đặc sản của quê hương.
Anh Nguyễn Thành Ngân, Chủ tịch Hội Dân ca ví giặm Sông Lam cho rằng: Việc xây dựng, phục hồi không gian diễn xướng để tạo môi trường cho di sản có thể tồn tại và phát triển một cách tự nhiên và dần đưa dân ca ví, giặm về với cộng đồng dân cư là phù hợp với mục tiêu bảo tồn dân ca - đúng như tiêu chí mà UNESCO đặt ra cho dân ca ví, giặm sau khi được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết: Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục xây dựng và tái tạo thêm một số không gian ví, giặm tại ba địa điểm. Dó là phục dựng không gian, môi trường diễn xướng trên sông Lam; triển khai không gian diễn xướng tại thành phố Vinh và không gian mang tính chất vừa bảo tồn, vừa biểu diễn phục vụ đón du khách tại Bảo tàng Nghệ An, Khu di tích Kim Liên.
Bên cạnh đó, ngành nỗ lực thực hiện một số nội dung như xây dựng chính sách hỗ trợ các câu lạc bộ dân ca, hỗ trợ các nghệ nhân; triển khai tuyên truyền quảng bá sâu rộng hơn.
Để bảo tồn, khôi phục không gian, môi trường diễn xướng phù hợp nhằm tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt, lao động của ông cha ta ngày xưa có thể bằng nhiều biện pháp: xây dựng những đề án khôi phục không gian và hình thức sinh hoạt qua các chương trình du lịch, giới thiệu và quảng bá về văn hóa địa phương; đưa dân ca vào những nghi lễ, lễ hội, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ dân ca tại sân đình làng.
Khi dân ca được trình diễn trên sân khấu trong các cuộc liên hoan, việc dựng lại những cảnh vật xưa, không gian xưa là yếu tố bắt buộc, không thể thiếu trong mỗi chương trình. Đó cũng là giải pháp để bảo tồn, gìn giữ môi trường, không gian diễn xướng cho dân ca ví, giặm./.