Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt ở địa bàn cơ sở như: công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng và các tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự .
TTXVN - Ngày 28/9, Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh trật tự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình bảo đảm an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023.
Theo thống kê, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 89 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; một xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 4 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Qua 3 năm triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền đề ra nhiều giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh trật tự. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội và các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phục vụ công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình "5 tự quản" về an ninh trật tự an ninh trật tự tại 89 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 102/102 xã xây dựng nông thôn mới; 37 địa bàn có mô hình phòng, chống ma túy; 11 địa bàn triển khai mô hình trật tự giao thông, trật tự công cộng, 12 địa bàn xây dựng mô hình về dòng họ tự quản và 1.024 địa bàn triển khai mô hình "4 an toàn" trong cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường. Bên cạnh đó, các mô hình tự quản phòng, chống tội phạm, trật tự xã hội; quản lý giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật; mô hình Công an xã thân thiện... được nhân rộng ở nhiều địa phương, đem lại hiệu quả tích cực. Thông qua hoạt động của mô hình, người dân đã cung cấp trên 6.000 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng Công an các cấp điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội; bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Phong Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh trật tự biểu dương và chúc mừng kết quả, thành tích mà các đơn vị, địa phương đạt được trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình bảo đảm an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2023.
Đại tá Nguyễn Phong Thịnh đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Trong đó, địa phương chú trọng việc vận động nhân dân tham gia xây dựng các mô hình bảo đảm an ninh trật tự. Điển hình là phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa và khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về an ninh trật tự.
Đồng thời, Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt ở địa bàn cơ sở như: công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng và các tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự khác để làm hạt nhân thúc đẩy phong trào, không để phát sinh tội phạm hoặc trở thành "điểm nóng" về an ninh trật tự.
Nhân dịp này, 7 tập thể, 2 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; 4 tập thể, 8 cá nhân được nhận Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc và 2 cá nhân được nhận Giấy khen của Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh trật tự vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình bảo đảm an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2023./.