UBND tỉnh Long An đã có nhiều định hướng để các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã được phát huy một cách hiệu quả.
Để phát triển và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, UBND tỉnh Long An đã có nhiều định hướng để các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã được phát huy một cách hiệu quả.
Từ những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, các ngành, cấp liên quan đã tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, vận động nông dân thực hiện các mô hình điểm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Cụ thể như ứng dụng cơ giới hóa, thiết bị bay không người lái thay thế công lao động, ứng dụng phân hữu cơ, chế phẩm phân hủy rơm rạ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào thực hiện mô hình “Vườn xanh, ruộng sạch, sản xuất an toàn” nhằm định hướng cho hội viên những mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Hội hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, để đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.
Long An cũng tập trung triển khai các đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, người nông dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An; chính sách tiêm phòng chống dịch bệnh, tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc. Tỉnh thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn; Chương trình hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất và tận dụng tài nguyên một cách hiệu quả; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An Hồ Thị Ngọc Lan cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân tiếp tục thực hiện hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ tiêu đã giao cho các huyện; đồng thời hỗ trợ thực hiện tốt Chương trình phối hợp chuyển đổi số trên lĩnh vực thương mại nông nghiệp, giúp hội viên nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình hợp tác xã kiểu mới làm ăn có hiệu quả, hợp tác xã tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, ngân hàng chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm… Tuy nhiên để phát triển bền vững tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân phải sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu lưu thông trên thị trường; biết cách bán hàng; giữ chữ tín trong các giao dịch thương mại…/.