Chỉ đạo, Điều hành

Nhiều giải pháp hiệu quả triển khai các mô hình giảm nghèo

Lào Cai

Giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai khởi công từ quý 3 năm 2008 được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 21/9/2014. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Năm 2023, mặc dù là năm thứ hai chính thức được giao vốn triển khai các chương trình trong điều kiện các quy định pháp lý, văn bản hướng dẫn còn chưa đầy đủ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu của Lào Cai đều đạt và vượt kế hoạch. Lào Cai luôn được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong chủ động triển khai, sớm ban hành điều chỉnh các cơ chế, chính sách văn bản quy định quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

* Giảm nghèo đa chiều

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, công tác giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương tính đến ngày 31/12/2023 được gần 90% vốn Trung ương giao (xếp thứ 17/63 tỉnh), đến hết ngày 31/1/2024 đạt 95,8% kế hoạch, đạt chỉ tiêu Trung ương giao (95%).

Giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn lực dự kiến cho 3 chương trình là trên 11.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh bố trí 2.354 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tổng nguồn vốn huy động thực hiện các chương trình trên địa bàn tỉnh là trên 3.574 tỷ đồng.

 Kết quả trên có được là do trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Lào Cai có nhiều sáng tạo và cơ chế đặc thù. Đặc biệt, các địa phương đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong triển khai các mô hình giảm nghèo, điển hình như thị xã Sa Pa.

Với lợi thế phát triển nông nghiệp ôn đới, du lịch, dịch vụ, thị xã Sa Pa đã định hướng, phê duyệt, hướng dẫn nhân dân tập trung thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả trên tinh thần “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ kết quả”; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, duy trì cuộc sống và thoát nghèo.

Nổi bật như mô hình phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp của Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa với diện tích vùng nguyên liệu liên kết đạt 300 ha, doanh thu đạt 10,5 tỷ đồng/năm; mô hình sản xuất, chế biến cá tầm, cá hồi phát triển các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã nuôi trồng cá hồi cá tầm Thức Mai liên kết tiêu thụ cho các thành viên hợp tác xã khoảng 60 tấn cá tươi/năm, doanh thu đạt bình quân khoảng 12 - 15 tỷ đồng/năm….

Khu du lịch tâm linh trên đỉnh Fansipan. 
Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Trong lĩnh vực Du lịch, từ 2 mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thí điểm vào năm 1998, đến nay trên địa bàn thị xã Sa Pa đã có 5 điểm du lịch cộng đồng chính thức được UBND tỉnh công nhận. Các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ tập trung tại khu vực cộng đồng dân tộc thiểu số, chủ yếu tại các xã Tả Van, Tả Phìn, Mường Hoa, Bản Hồ... Mỗi năm các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Sa Pa đón khoảng 2 triệu lượt khách tham quan với mức doanh thu tại các điểm du lịch cộng đồng ước đạt 1,2 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các hộ có tham gia làm dịch vụ du lịch tại cộng đồng trên địa bàn đạt từ 80 - 216 triệu đồng/năm.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn, trong quá trình triển khai các mô hình, dự án, địa phương đã lồng ghép nguồn vốn, huy động tối đa các nguồn lực tập trung cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp bằng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia, ngân sách địa phương và vốn vay. Thị xã chủ động nguồn vốn đối ứng; tập trung nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả gắn với việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị...

"Nhờ đó, các dự án, mô hình đã cơ bản bám sát mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; đưa tỷ lệ giảm nghèo của Sa Pa trong năm 2023 đạt 7,75%, vượt trên 29% kế hoạch tỉnh giao", ông Tô Ngọc Liễn khẳng định.

Các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã góp phần tạo sinh kế giúp đồng bào các dân tộc Lào Cai giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của tỉnh giảm 4,43%, vượt gần 11% kế hoạch; riêng 10 xã nghèo nhất tỉnh giảm 10,41%. Thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 95 triệu đồng/năm.

Chọn lọc, phân loại quế khô trước khi đóng thùng xuất khẩu. 
Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

* Phát triển bền vững vùng đồng bào

Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Lào Cai đặt mục tiêu năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn đa chiều khoảng 5,2%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông đạt 100%; tỷ lệ người tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%.

Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lào Cai phấn đấu có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 72/127 xã; toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới, giảm 35 xã so với năm 2023.

Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm từ 7,6%/năm trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 104 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo đạt trên 44,6 triệu đồng/năm.

Tại hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia Trịnh Xuân Trường yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện các chương trình ngay từ đầu năm; dồn toàn lực cho các nội dung liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thuộc vùng dự án, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, các địa phương chú trọng đặc biệt vào các dự án, phần việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, mô hình giảm nghèo, sinh kế,... để nâng cao đời sống, đảm bảo phát triển bền vững cho đồng bào.

Thi công cầu Trịnh Tường thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 156.
Ảnh: Hồng Ninh - TTXVN

Để đạt được các mục tiêu trên, với tổng vốn huy động để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2024 dự kiến khoảng 3.569 tỷ đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo đủ các thủ tục, điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai các công việc, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn; kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Các đơn vị, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án. Các đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn.../.

PV

Xem thêm