Quốc hội với Cử tri

Nhiều ý kiến đóng góp về bảo hiểm nghề nghiệp, độ tuổi công chứng viên

Trà Vinh

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật Công chứng (sửa đổi).

Ngày 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Quang cảnh Hội nghị. 
Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Trà Vinh cho biết, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014. Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến đối với các nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật; đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét thông qua.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật Công chứng (sửa đổi). Nội dung sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời khắc phục những vấn đề bất cập của Luật Công chứng năm 2014.

Nhiều đại biểu đại diện các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh cho rằng, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này đã giải quyết được nhiều vướng mắc của Luật Công chứng năm 2014, như đã loại bỏ nội dung công chứng bản dịch ra khỏi phạm vi công chứng, đồng thời quy định cho phép công chứng viên được thực hiện chứng thực chữ ký người dịch. Đặc biệt, trong Dự thảo, nhiều thủ tục đã được điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa. Cụ thể như thủ tục bổ nhiệm công chứng viên đã được đơn giản hóa thành phần hồ sơ và giảm bớt thời gian giải quyết; không bắt buộc tên gọi của văn phòng công chứng phải được đặt theo họ tên của một trong số các công chứng viên hợp danh như hiện nay; các thủ tục công chứng đã quy định theo hướng linh hoạt. Bên cạnh đó, chuyển đổi số hoạt động công chứng là nội dung mới hoàn toàn trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), với những quy định cơ bản về công chứng điện tử, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai quy trình công chứng điện tử… Ngoài ra, một số thuật ngữ trong Luật lần này cũng được điều chỉnh tương thích với Bộ luật dân sự 2015…

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, tại Điều 8 trong Dự thảo Luật quy định giới hạn độ tuổi của công chứng viên không quá 70 tuổi chưa phù hợp. Bởi, các công chứng viên cao tuổi là những người có thâm niên, nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, nếu đảm bảo sức khỏe hành nghề (có kết quả khám sức khỏe định kì hàng năm) thì không nên giới hạn về độ tuổi. Việc giới hạn sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội, hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân.

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về quy định thời gian làm việc của công chứng viên, việc thành lập và hình thức hoạt động, đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng, thủ tục chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của văn phòng công chứng… Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị giải thích, bổ sung thêm một số câu, từ trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) để đảm bảo rõ ràng, tránh hiểu nhầm.

Ông Trần Văn Nhanh, Trưởng Văn phòng Công chứng Trần Văn Nhanh (huyện Châu Thành) cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên quy định mua bảo hiểm nghề nghiệp công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên hiện nay, các công ty bảo hiểm không có loại hình bảo hiểm phù hợp với hoạt động công chứng. Vì vậy, việc mua bảo hiểm chỉ mang tính hình thức, gây lãng phí cho tổ chức hành nghề công chứng. Nếu duy trì quy định mua bảo hiểm, ông Nhanh đề xuất giao Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính thống nhất ban hành bộ mẫu quy tắc về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, xác định rõ loại hình bảo hiểm, phạm vi, trường hợp được và không được bồi thường, thủ tục phối hợp khi có sự việc xảy ra.

Đại diện Hội Luật gia tỉnh Trà Vinh phát biểu ý kiến tại Hội nghị. 
Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Huy Cường, thành phố Trà Vinh, tại khoản 2 Điều 46 Dự thảo quy định "Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng". Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về khả năng sử dụng tiếng Việt của người làm chứng để có thể đọc và hiểu được nội dung của hợp đồng, giao dịch, để từ đó giải thích cho người được làm chứng biết rõ nội dung hợp đồng mà mình sẽ giao kết. Điều này đã tồn tại từ Luật công chứng 2014 đến nay. Vì vậy, ông Cường đề xuất bổ sung vào Dự thảo điều kiện người làm chứng phải thông thạo tiếng Việt, phải đọc hiểu nội dung hợp đồng.

Với tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, tại khoản 3, Điều 8 Dự thảo quy định "Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sỹ luật hoặc tiến sỹ luật", ông Nguyễn Huy Cường đề xuất giữ nguyên quy định điều kiện về thời gian công tác pháp luật từ đủ 5 năm như Luật Công chứng 2014, bởi trong 3 năm không đủ thời gian để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức hành nghề cho công chứng viên.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Trà Vinh cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp của đại biểu làm cơ sở để tham gia thảo luận, đề xuất đến Quốc hội tại Kỳ hợp thứ 7 tới đây./.

Trần Thị Thanh Hòa

Xem thêm