Những trưởng thôn “giám đốc” ở tỉnh miền núi Tuyên Quang đã góp phần khai thác tiềm năng địa phương, thay đổi tư duy lao động, sản xuất của nhân dân, từng bước thay đổi diện mạo quê hương.
TTXVN - Phát huy trách nhiệm của những người “Đảng cử, dân bầu” cùng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhiều bí thư chi bộ, trưởng thôn ở tỉnh miền núi Tuyên Quang đã và đang đảm nhiệm hiệu quả vai trò giám đốc các hợp tác xã. Những trưởng thôn “giám đốc” này đã góp phần khai thác tiềm năng địa phương, thay đổi tư duy lao động, sản xuất của nhân dân, từng bước thay đổi diện mạo quê hương.
*Khai thác tiềm năng, sản phẩm địa phương
Năm 2021, trước thực trạng được mùa, mất giá, quả cam sành ở Yên Lâm bán “rẻ như cho”, chị Nguyễn Thị Tĩnh, Bí thư chi bộ thôn Tháng 10 xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên đã tìm hiểu, học tập và thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm với 16 thành viên với mục đích tìm hướng đi ổn định và bền vững cho quà cam sành trồng trên đất Yên Lâm.
Chị Nguyễn Thị Tĩnh cho biết, hiện toàn thôn Tháng 10 có khoảng100 ha cam và trên 40 ha rừng sản xuất. Trước kia, giá trị của quả cam hầu hết phụ thuộc thương lái, thường xuyên phải đối diện với hoàn cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Bản thân chị Tĩnh cũng là người trồng cam nhiều năm, nên chị hiểu được sự vất vả và chia sẻ những khó khăn người dân trồng cam. Chính vì vậy, thành lập và đảm nhận vai trò Giám đốc Hợp tác xã Nông sản xanh Yên Lâm, chị Tĩnh đã hướng dẫn các thành viên trồng cam chất lượng theo hướng VietGap và chế biến cam sấy để nâng cao giá trị cho quả cam.
Cũng theo chị Nguyễn Thị Tĩnh, hiện nay, Hợp tác xã có hơn 49 ha cam VietGap. Từ khi thành lập đến nay, mỗi năm, Hợp tác xã tiêu thụ khoảng 600 tấn cam tươi và hơn 2 tấn cam sấy. Không chỉ cung cấp trong tỉnh Tuyên Quang, sản phẩm cam tươi, đặc biệt là cam sấy của Hợp tác xã Nông sản Xanh Yên Lâm được các thị trường Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Bình Định, TP Hồ Chí Minh...tích cực đón nhận. Chất lượng quả cam đảm bảo, giá thành và đầu ra ổn định, thu nhập của các thành viên Hợp tác xã cũng được nâng cao, cuộc sống cũng vì vậy mà ngày một tốt lên.
Ông Hoàng Sơn Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Lâm cho biết: “ Với vai trò là Bí thư Chi bộ, đồng chí Nguyễn Thị Tĩnh luôn chủ động xây dựng nội dung, chương trình sinh hoạt Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ngoài ra, trong quá trình điều hành Hợp tác xã Nông sản xanh Yên Lâm, chị Nguyễn Thị Tĩnh luôn phát huy vai trò người đứng đầu trách nhiệm, chuyên nghiệp, luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, được thành viên tín nhiệm và giúp Hợp tác xã kịp thời nắm bắt những cơ hội, vượt qua những khó khăn và ngày càng phát triển. Đồng thời, xây dựng cho Hợp tác xã một tầm nhìn chiến lược, kế hoạch dài hạn và lãnh đạo Hợp tác xã hoạt động đúng quy định
*Thay đổi tư duy
Đồng bào Dao ở thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang hay gọi anh Triệu Văn Đoan là “Bí thư giám đốc”, bởi, anh Đoan đang giữ 3 vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng Thôn Tân Thượng và Giám đốc Hợp tác xã chè Tân Thượng. Anh Triệu Văn Đoan cho biết, thôn Tân Thượng có 79 hộ dân, trong đó dân tộc Dao chiếm 98%. Kinh tế chủ yếu của người dân thôn Tân Thượng là phát triển rừng và trồng chè. Trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu thôn Tân Thượng, anh Đoan nhận thấy hơn 11ha chè của thôn luôn cho sản lượng tốt, chủ yếu bán cho thương lái ngoài tỉnh. Nhiều năm sản phẩm chè thu hái không đủ phục vụ các lái buôn đến thu mua. Anh Triệu Văn Đoan chia sẻ: “Chắc là chè của Tân Thượng phải ngon, vị phải đậm, thơm, nên mới được thương lái “săn đón” vậy”. Nghĩ vậy, tháng 4/2022, anh Đoan đã bàn bạc với một số hộ trồng chè trong thôn, thành lập Hợp tác xã chè Tân Thượng, đầu tư máy móc sản xuất chế biến chè, qua đó, xây dựng và quảng bá thương hiệu chè Tân Thượng.
Anh Đoan đã vận động thành viên Hợp tác xã học tập và thay đổi cách chăm sóc cây chè hữu cơ, thân thiện với môi trường và nâng cao giá trị. Hiện tại, hơn 8ha chè của 24 hộ thành viên Hợp tác xã đạt chuẩn VietGap. Sản phẩm chè của Hợp tác xã chè Tân Thượng đã hoàn thiện đăng ký truy xuất nguồn gốc và chuẩn bị đăng ký sản phẩm OCOP.
Cũng theo anh Triệu Văn Đoan, chè thành phẩm của Hợp tác xã được bán với giá 500 nghìn đồng /kg. Dù mới ra mắt, chè Tân Thượng đã được người tiêu dùng đón nhận, nhiều thời điểm không đủ để cung cấp cho thị trường. Thời gian tới, Hợp tác xã đầu tư thêm máy nghiền để tận thu các lá chè già nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn để sản xuất chè túi lọc.
Không chỉ giúp người dân thay đổi tư duy, liên kết sản xuất, phát triển kinh tế, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Triệu Văn Đoan còn vận động nhân dân trong thôn hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Anh Lương Văn Trường, thôn Tân Thượng chia sẻ, được Bí thư chi bộ, Trưởng thôn tuyên truyền vận động, anh Trường nhận thức được xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, ngưởi hưởng lợi trước tiên là chính là nhân dân của thôn.
Ông Lưu Văn Lương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lương Thiện cho biết, xuất phát điểm là nông dân nên anh Triệu Văn Đoan hiểu rõ giá trị của các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đặc biệt, khi đảm nhận hai vai trò vừa là giám đốc vừa là trưởng thôn, anh Đoan đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, sang sản xuất tập trung, liên kết, tạo thương hiệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương. Nhờ sự năng động, dám tiên phong, chủ động “miệng nói, tay làm” anh Đoan luôn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, những phong trào, hoạt động chung của thôn xóm cũng vì thế mà thuận lợi, tích cực hơn.../.