Hưng Yên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp người tiêu dùng truy xuất thông tin nguồn gốc nông sản nhanh chóng, chính xác, giúp nâng cao giá trị của sản phẩm.
TTXVN - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Trần Tùng Chuẩn cho rằng, truy xuất nguồn gốc giúp đơn vị quản lý phát hiện, ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm; khuyến khích hình thành mô hình, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuỗi cung ứng phát triển ổn định, có thương hiệu. Các sản phẩm được gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng, dễ dàng nhận diện xuất xứ sản phẩm.
Cam Đồng Thanh, huyện Kim Động được UBND tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Chất lượng cam Đồng Thanh được đông đảo người tiêu dùng biết đến nhờ áp dụng quy trình VietGAP và được cấp tem truy xuất nguồn gốc. Ông Lưu Văn Dân, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động chia sẻ, trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP mất nhiều công hơn nhưng bù lại chi phí thấp, chủ yếu là bón phân vi sinh nên cây cho quả đều, đẹp mã, mọng nước, giá cao hơn so với mọi năm. Giá bán tại vườn dao động khoảng 25.000 đồng/kg và dự tính sẽ cao hơn nữa. Năm nay, gia đình ông thu lãi khoảng 60 triệu đồng từ 3 sào cam. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, có tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng an tâm khi chọn mua sản phẩm, người trồng cây cũng nâng cao thu nhập.
Chi Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hưng Yên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng sổ tay truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản.
Chi Cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Lê Văn Lương cho biết, năm 2023, Chi cục đã phối hợp xây dựng thành công sổ tay truy xuất nguồn gốc cho “Vải trứng Hưng Yên”. Đây là loại vải có quả to, hình thù như trứng gà, trọng lượng từ 18 - 22 quả/kg, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc, thơm mát đặc trưng. Loại quả này được trồng chủ yếu tại huyện Phù Cừ và Ân Thi. Việc xây dựng sổ tay truy xuất nguồn gốc giúp các nhà vườn, hộ sản xuất, kinh doanh khẳng định được thương hiệu.
Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, khảo sát chất lượng tập trung vào việc công bố và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm đo lường trong sản xuất, kinh doanh; ghi nhãn hàng hóa. Việc này nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Chi cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng sổ tay truy xuất nguồn gốc cho các nông sản chủ lực.
UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 197/KH-UBND triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2022-2030 nhằm khuyến khích áp dụng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% sản phẩm OCOP và sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được cập nhật dữ liệu truy xuất nguồn gốc.
Trước mắt, giai đoạn 2022-2025, tỉnh hỗ trợ áp dụng, cập nhật dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho trên 50% sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP và sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu (đóng gói sẵn) theo hướng dẫn của bộ, ngành chức năng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc được cập nhật lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia theo quy định.
Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 50% tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực nông lâm thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi, thực phẩm và dược phẩm được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kiến thức về truy xuất nguồn gốc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia../.
- Từ khóa:
- Hưng Yên
- truy xuất nguồn gốc
- sản phẩm
- mã QR