Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chú trọng bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
TTXVN - Nhờ tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang đổi thay tích cực từng ngày. Đồng bào có điều kiện để ổn định về nơi ở, thay đổi nhận thức, tư duy , thêm động lực để phát triển kinh tế, lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo
* Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu
Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, dân tộc thiểu số chiếm 56,7% dân số của tỉnh Tuyên Quang. Thực hiện dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong năm 2022, tỉnh Tuyên Quang thực hiện đầu tư xây dựng 264 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng số vốn được phân bổ thực hiện là 234 tỷ đồng.
Tháng 5/2023, một tuyến đường bê tông dài gần 1km, rộng 3,5m trị giá 1,2 tỷ đồng được hoàn thành và đưa vào sử dụng tại thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Anh Tướng Văn Đên, dân tộc Dao, thôn Đồng Bài, cho biết, gia đình anh đã tự nguyện thu hoạch sớm đồi keo mới 3 năm tuổi, giải phóng mặt bằng, hiến 1.500m2 đất để làm đường. Con đường mới được xây dựng bà con rất phấn khởi, người lớn, trẻ em đi học, đi làm thuận tiện, an toàn.
Ông Hà Văn Tiệp, Chủ tich UBND xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cho biết, tuyến đường này dẫn vào nơi ở của gần 40 hộ dân và trên 10 ha đất sản xuất của nhân dân thôn Đồng Bài. Con đường cũ là đường đất, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi, nhiều ổ voi, ổ gà, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, khó khăn khi đi lại. Khi được đầu tư xây dựng con đường, bà con tại Đồng Bài rất phấn khởi. 4 hộ gia đình có diện tích đất ở khu vực tuyến đường đi qua tự nguyên giải phóng mặt bằng hiến trên 2500m2 đất để làm đường bê tông
* “Tiếp” vốn cho đồng bào
Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang có gần 800 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với các chương trình vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển vùng trồng dược liệu quý, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị...
Gia đình bà Triệu Thị Mai, dân tộc Dao, thôn Xít Xa, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ vay t40 triệu đồng từ nguồn tín dụng chính sách cho vay xây dựng nhà ở theo Nghị định 28 của Chính phủ. Bà Triệu Thị Mai chia sẻ, gia đình là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào ruộng, vườn nhỏ, cuộc sống rất khó khăn. Căn nhà cũ bao năm đã dột nát, xuống cấp, nhưng gia đình không có điều kiện để sửa chữa hay làm mới. Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng căn nhà, gia đình bà ổn định về nơi ở, không còn lo cảnh chạy nắng, chạy mưa nữa.
Là một trong những hộ đầu tiên được hỗ trợ vay làm nhà ở theo Nghị định 28 của Chỉnh phủ, ông Nông Văn Nhất, dân tộc Nùng, thôn Phục Hưng, phấn khởi chia sẻ, nhờ có nguồn vốn chính sách, gia đình ông mới xây dựng được căn nhà mới, thoát cảnh thấp thỏm, lo lắng nhà đổ sập bao năm qua. Tín dụng chính sách lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài cũng giảm bớt áp lực cho gia đình, gia đình ông Nhất cũng có thêm động lực, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tinh Tuyên Quang, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương chú trọng bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các công trình giao thông liên kết vùng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thực hiện thanh, quyết toán nguồn vốn theo Luật Ngân sách nhà nước. uồn vốn vay và đảm bảo giải ngân theo đúng quy định
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 – 2025; rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn đảm bảo công khai, minh bạch, tránh chồng chéo, lợi dụng, trục lợi tín dụng chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, giúp đỡ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn....