Thời sự

Phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao hiệu quả phát triển xã hội

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

TTXVN - Chiều 11/12, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Nhóm 3 của Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp của Nhóm 3 nhằm hoàn thiện báo cáo Chuyên đề 5.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau thời gian triển khai thực hiện theo phân công của Ban Chỉ đạo và phân công của Nhóm 3 (Văn hóa - Xã hội và Con người: Các vấn đề phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người), Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành Chuyên đề 5 về “Phát triển xã hội bền vững: mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế”.

Nhóm nghiên cứu đã kế thừa, tiếp thu các kết quả tổng kết của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020" để tổng hợp, xây dựng Báo cáo. Bên cạnh đó, Chuyên đề 5 tiếp thu, cập nhật các quan điểm, mục tiêu, giải pháp một số văn bản mới của Đảng liên quan đến chuyên đề, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao Tổ biên soạn Chuyên đề 5, trong thời gian ngắn đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, cơ bản bảo đảm tiến độ, bám sát đề cương đã được duyệt.

Các đại biểu cho rằng, các mục tiêu phát triển xã hội được xác định gắn với các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo đó, chính sách xã hội là công cụ, phương tiện chính của Nhà nước để quản lý phát triển xã hội bền vững; thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng về các mục tiêu phát triển bền vững, đó là thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm định hướng xã hội trong giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra từ thực tiễn trên cơ sở bảo đảm quyền con người, nâng cao hiệu quả phát triển xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đất nước; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người; triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, bộ phận tổng hợp nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, đơn vị để hoàn thiện báo cáo Chuyên đề 5; bổ sung thêm các bảng biểu, sơ đồ, phụ lục để thể hiện sinh động hơn, khoa học hơn; chú ý các nội dung liên quan đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các cam kết quốc tế về Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), làm sâu sắc hơn kinh nghiệm quốc tế và khu vực ASEAN…/.

Phan Phương

Xem thêm