Cuộc thi nhằm tạo hiệu ứng xã hội tích cực với cái nhìn bao quát hơn về những hy sinh lặng thầm của các nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
TTXVN - Chiều 9/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2023.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, nghề “dạy chữ, dạy người” là nghề cao quý, không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn dạy bằng cả nhân cách, trí tuệ của mình. Giáo viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục, do đó, các thầy cô phải có đủ đức, đủ tài, phải trở thành tấm gương tốt và được xã hội tôn vinh. Đây cũng là điều mà nhiều tác giả đã gửi gắm, chia sẻ trong các tác phẩm của mình. Những giá trị tốt đẹp đó qua mỗi năm tổ chức cuộc thi đều được lan tỏa, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết: Với sự đón nhận, hưởng ứng của học sinh, sinh viên, phụ huynh và xã hội đến cuộc thi này, hình ảnh mái trường và các thầy, cô giáo sẽ để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc; trở thành nguồn cảm hứng và tạo hiệu ứng xã hội tích cực với cái nhìn bao quát hơn về những hi sinh lặng thầm của các nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Về thể lệ cuộc thi, các tác phẩm dự thi tập trung vào một số nội dung như: Những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả); Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề; Những kỷ niệm, ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học.
Các tác phẩm dự thi viết bằng tiếng Việt, thể hiện dưới hình thức văn xuôi, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có). Các tác phẩm chưa đăng tải trên sách báo, chưa công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào hoặc gửi dự thi ở các cuộc thi khác do Bộ, ngành, Trung ương tổ chức tính đến ngày gửi đến Ban Tổ chức. Tác giả dự thi phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác đối với nhân vật và nội dung bài dự thi của mình.
Về giải thưởng, Ban tổ chức sẽ trao 2 giải tập thể; 2 giải Nhất; 4 giải Nhì; 6 giải Ba; 10 giải Khuyến khích; 2 Giải dành cho Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải và Giải thưởng phụ do Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức.
Cụ thể, Giải Nhất sẽ được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 10 triệu đồng/giải; Giải Nhì nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 8 triệu đồng/giải; Giải Ba, mỗi giải 6 triệu đồng; Giải Khuyến khích, mỗi giải 3 triệu đồng. Giải tập thể, 5 triệu đồng/giải. Giải Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải, 2 triệu đồng/giải. Ngoài ra, Ban tổ chức trao một số Giải thưởng phụ, 2 triệu đồng/giải.
Lễ tổng kết và trao giải thưởng của cuộc thi dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2023./.