Văn hóa

Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Đồng Tháp

Tỉnh phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản.

Sản phẩm nem Lai Vung của Đồng Tháp. 
Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quôc gia như: Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hò Đồng Tháp; Nghề đóng xuồng Long Hậu, huyện Lai Vung; Nghề dệt choàng Long Khánh A, huyện Hồng Ngự; Nghề dệt chiếu xã Định Yên, Định An, huyện Lấp Vò; Nghề làm nem Lai Vung; Nghề làm bột gạo Sa Đéc.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp Phan Thị Vũ Quyên cho biết, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản; quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đồng Tháp, hình ảnh du lịch đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy kinh tế - xã hội. Bảo tàng tỉnh cũng đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh trên hệ thống mạng internet, trang thông tin điện tử của tỉnh, của ngành, địa phương mang lại hiệu quả cao. Bảo tàng tỉnh tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn về quản lý di sản; kiểm kê di sản các huyện, thành phố; rà soát lập danh sách các nghệ nhân đủ tiêu chuẩn đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Hiện, toàn tỉnh có 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Bảo tàng tỉnh tổ chức bảo tồn, phát huy các di sản phi vật thể bằng việc tăng cường thực hiện công nghệ số trong quảng bá di sản thông qua hệ thống mạng Internet, trang website của Bảo tàng, thực hiện các bảng tra cứu dữ liệu di sản QR. Bảo tàng tổ chức thường xuyên các cuộc sưu tầm tư liệu, hiện vật; trưng bày, giới thiệu các hiện vật phục vụ du khách trong và tỉnh đến nghiên cứu, tham quan; tổ chức lớp truyền nghề cho cơ sở như: đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp, nghề dệt chiếu, nghề đóng xuồng ghe, nghề dệt choàng, nghề làm nem..., góp phần bảo tồn di sản, tạo nguồn lực kế thừa, tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Nổi bật, Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quôc gia Nghề làm bột gạo Sa Đéc đang phát huy hiệu quả. Được biết, năm 2024 thành phố Sa Đéc có trên 180 hộ, cơ sở, doanh nghiệp và hơn 2.000 lao động tham gia vào hoạt động sản xuất bột và sản phẩm sau bột, bình quân sản xuất khoảng 95 tấn bột tươi/ngày (tương đương 50 tấn bột khô). Từ bột gạo, các cơ sở ở thành phố Sa Đéc đã chế biến ra rất nhiều sản phẩm sau bột như: hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tầm, ống hút, snack và các loại bánh... Thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc, Australia, Singapore, Canada, Mỹ, Đức, Campuchia, Lào... thông qua các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Doanh thu mang lại cho cơ sở, doanh nghiệp hằng năm đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống "Nghề làm nem" Lai Vung thuộc xã Tân Thành, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, cũng đã phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, nghề làm Nem ở Lai Vung ra đời khoảng năm 1960. Từ khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm nem đã phát huy hiệu quả, giữ vũng làng nghề. Hiện nay, toàn huyện có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Giáo Thơ, Út Thẳng, Hoàng Khánh, Thanh Xuân, Thanh Sơn, Cô Hiệp… thu hút hơn 300 lao động tham gia, sản xuất ra hàng trăm nghìn chiếc nem mỗi ngày, doanh thu ước đạt trên 60 tỷ đồng/năm.

Công nhân làm việc tại Cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung). 
Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Năm 2012, nem Lai Vung được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong top 10 đặc sản nem, chả nổi tiếng Việt Nam. Năm 2013, nem Lai Vung nằm trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ Nhất do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố. Một số cơ sở sản xuất nem Lai Vung đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, có mặt trong top những mặt hàng quà tặng đặc sản địa phương. Hiện nay, nem Lai Vung đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp Giấy chứng nhận có giá trị 10 năm cho các cơ sở sản xuất nem như: Giáo Thơ (xã Tân Thành), Tư Minh (thị trấn Lai Vung), Út Thẳng (thị trấn Lai Vung), Thúy Ngoan (thị trấn Lai Vung).

Ngoài ra, tại Đồng Tháp có thể kể đến nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, đã và đang phát huy hiệu quả giá trị di sản. Làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên thuộc huyện Lấp Vò, đã hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Hiện, làng nghề có trên 800 hộ làm nghề dệt chiếu, góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhằm phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề dệt chiếu, Đồng Tháp nỗ lực trong việc phục dựng thực cảnh tái hiện không gian “Chợ ma Định Yên”. Đây là sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đưa Làng chiếu Định Yên phát triển bền vững, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, tham quan.

Bà Phan Thị Vũ Quyên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp cho biết, giải pháp phát huy các di sản phi vật thể bằng việc thực hiện thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện sưu tầm, số hóa các bài bản, đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp; thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đến học sinh, sinh viên tại các trường học tại tỉnh. Bảo tàng đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể trên nền tảng công nghệ số; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch tạo sự giao lưu, kết nối di sản văn hóa phi vật thể giữa các vùng miền trên cả nước. Cùng đó, Bảo tàng tăng cường kết nối di sản văn hóa phi vật thể với ngành Du lịch để thu hút du khách, vừa quảng bá di sản, vừa tạo nguồn thu cho cộng đồng địa phương./.

Nguyễn Văn Trí

Tin liên quan

Xem thêm