Trong hơn 2 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống kết cấu hạ tầng Lạng Sơn không ngừng cải thiện, đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân...
TTXVN - Tỉnh Lạng Sơn cần phát huy hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đây là những nội dung quan trọng được đưa ra tại buổi làm việc ngày 26/7 của Đoàn giám sát số 2 của Quốc hội, do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.
* Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, ba Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong hơn 2 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống kết cấu hạ tầng không ngừng được cải thiện, đầu tư mới, hoàn thành, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 7,22%; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,32%. Các khu vực kinh tế đều có chuyển biến tích cực. Tỉnh có 21/50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 42% so với mục tiêu đề ra (dự kiến năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn); 10/25 xã nông thôn mới nâng cao mới (dự kiến năm 2023 có thêm 5 xã); giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 3%, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt được kết quả tích cực. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,15% so với năm 2021, vượt 105% so với mục tiêu đề ra; hoàn thành đưa 2 xã là Châu Sơn, huyện Đình Lập và xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia và 14 thôn ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn.
Đến tháng 6/2023, hơn 93% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 1.668 km đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa; 79% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình; 100% cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được đào tạo...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng quá trình triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp. Kết quả rà soát một số dự án, tiểu dự án thành phần trùng lắp về phạm vi, chưa đảm bảo với khả năng triển khai mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Một số nội dung, bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao chưa phù hợp với thực tế tại tỉnh miền núi như Lạng Sơn. Khả năng huy động nguồn lực của tỉnh để đối ứng Chương trình mục tiêu quốc gia hạn chế…
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ quyết liệt giải ngân nguồn vốn thực hiện; tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu, thực hiện, nhất là ở cấp cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là, không để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong quá trình thực hiện. Tỉnh tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, sở, ngành trong công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Chương trình tại các cấp...
Từ thực tế triển khai, tỉnh Lạng Sơn đề nghị, các bộ, ngành Trung ương xem xét, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách ưu tiên, tăng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với đặc thù là tỉnh khó khăn, nhiều xã biên giới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
* Nâng cao đời sống nhân dân
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, Lạng Sơn cần có giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững; giải quyết tình trạng thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như: nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin, nhà ở, việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Tỉnh gắn việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn tới với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Lấy trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu là nòng cốt, hướng người dân sinh sống và làm việc xung quanh khu vực này tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ, phục vụ nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế, du lịch.
Với hơn 83% dân số là người dân tộc thiểu số; hộ nghèo, cận nghèo sinh sống chủ yếu ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, điều kiện sản xuất không thuận lợi, trình độ dân trí thấp, không đồng đều. Do đó, tỉnh cần thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên cho những nơi còn hạn chế về cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tỉnh hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí các hộ đang cư trú phân tán rải rác trong rừng đặc dụng, nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương biểu dương những kết quả tỉnh Lạng Sơn đạt được trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tỉnh đã có những cách làm sáng tạo trong việc thực hiện các chương trình này. Minh chứng rõ nét nhất là đời sống của nhân dân trên địa bàn được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo; tăng trưởng kinh tế đạt khá. Lạng Sơn đã cơ bản thực hiện được chỉ tiêu, mục tiêu các Chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra trong từng năm và cả giai đoạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tỉnh tổng hợp những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia từ thực tế ở địa phương trình Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ. Cùng với đó, tỉnh đánh giá lại kết quả, chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế từ khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay, từ đó xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới cho sát, hợp với thực tiễn; xây dựng kế hoạch thực hiện những năm tiếp theo cụ thể, bám sát vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.
Lạng Sơn cần vận dụng, thực hiện linh hoạt, sáng tạo các quy định, xây dựng mô hình thí điểm trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng; áp dụng chuyển đổi số trong theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của các chương trình. Tỉnh phải thực sự chủ động, không chờ chỉ đạo của cấp trên trong thực hiện nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; khắc phục tâm lý chủ quan, sợ sai không dám làm../.