An sinh

Phát triển bảo hiểm y tế bền vững

Để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đòi hỏi phải phát triển bảo hiểm y tế bền vững.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam.
Ảnh: Vân Duy

Với chủ đề “Sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở”, Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam năm 2024 là dịp cao điểm truyền thông nhằm gia tăng nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Từ đó, ngày càng thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Hưởng ứng Ngày bảo hiểm y tế Việt Nam năm nay, cả nước đã và đang diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Tại Trung ương, sáng 1/7, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7/2009-1/7/2024).

Chính sách bảo hiểm y tế đang đi đúng hướng

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 93,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hiện đạt gần 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Việc tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân ngày càng được mở rộng, cùng với đó công tác giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm y tế cũng đảm bảo đầy đủ, kịp thời, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động và nhân dân. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ước hết tháng 6/2024, cả nước khoảng 89,552 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú, với số tiền giám định, thanh toán hơn 66,92 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 6,563 triệu lượt (tương đương 7,91%).

Việc gia tăng số người tham gia bảo hiểm y tế, cũng như gia tăng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thời gian qua cho thấy chính sách bảo hiểm y tế đang đi đúng định hướng và đã trở thành một nguồn tài chính đáng kể, góp phần cùng ngân sách nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc hiệu quả sức khỏe nhân dân. Tham gia bảo hiểm y tế không chỉ là quyền lợi của mỗi người dân mà còn là thể hiện trách nhiệm tuân thủ pháp luật và tinh thần tương thân tương ái để chia sẻ với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe.

Từ năm 2023 đến nay, nhiều trường hợp người dân tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, đã được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả lên tới hàng tỷ đồng. Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhi có mã thẻ TE1303622XXXXXX (sinh năm 2019, trú tại phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường type, suy thận đã được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả lên đến hơn 4,46 tỷ đồng. Hay bệnh nhi có mã thẻ TE1171721XXXXXX (sinh năm 2018, trú tại phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) mắc bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền đã được chi trả số tiền lên đến gần 4,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc gia tăng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng tạo áp lực với cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm y tế trong việc đảm bảo an toàn quỹ vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia.

Bến Tre tiếp nhận gần 500 triệu đồng kinh phí mua bảo hiểm cho hộ cận nghèo
Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Phát triển bảo hiểm y tế bền vững

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách bảo hiểm y tế nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi phải phát triển bảo hiểm y tế bền vững, bằng hai yêu cầu rất cơ bản đó là đạt bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính.

Thực hiện mục tiêu phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, ngành Bảo hiểm xã hội đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chưa như kỳ vọng.

Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông vận động, khuyến khích người dân chủ động, tích cực tham gia bảo hiểm y tế như một nhu cầu thiết yếu, toàn ngành tích cực triển khai “Chương trình mang Tết ấm cho người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình”, giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận chăm sóc sức khỏe bằng bảo hiểm y tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “bảo hiểm y tế toàn dân”.

Kết quả, qua 4 năm thực hiện (2020-2023), Chương trình đã có 412.724 người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Đặc biệt, số người được trao tặng thẻ bảo hiểm y tế tăng qua từng năm. Nếu như năm 2021 mới chỉ có 10.180 người thì năm 2022 đã tăng gấp 12,6 lần, lên 128.338 người và năm 2023 con số này là 274.206 người (gấp 26,9 lần so với năm 2021).

Thực hiện mục tiêu sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế an toàn, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ…

Trong quá trình thực hiện giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và đảm bảo tốt quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế./.

PV

Xem thêm