An sinh

Huyện Yên Bình nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới

Yên Bái

Giá trị mới được tạo nên bởi cộng đồng dân cư nông thôn Yên Bình, Yên Bái vừa đôn hậu, hiếu khách, vừa cần mẫn sản xuất, năng động tham gia kinh tế dịch vụ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái vừa công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Yên Bái cần quan tâm tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp tích hợp đa giá trị, gắn với triết lý phát triển bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”; kiên trì mục tiêu phát triển bao trùm, hài hòa giữa kinh tế - văn hóa - môi trường, giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc.

Hộ gia đình bà Hoàng Thị Ngọc, dân tộc Tày, thôn Đồng Ké, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi gia cầm. 
 Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Tỉnh Yên Bái cần quan tâm tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp tích hợp đa giá trị, gắn với triết lý phát triển bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”; kiên trì mục tiêu phát triển bao trùm, hài hòa giữa kinh tế - văn hóa - môi trường, giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, giá trị mới được tạo nên bởi cộng đồng dân cư nông thôn Yên Bình, Yên Bái vừa đôn hậu, hiếu khách, vừa cần mẫn sản xuất, năng động tham gia kinh tế dịch vụ. Giá trị mới được tạo nên nhờ tinh thần gắn kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, cùng nhau giữ gìn hồn quê, trân quý màu xanh thiên nhiên.

Người Yên Bình, người Yên Bái đã nhìn được những tiềm năng, thế mạnh và đang biến những tài nguyên bản địa, bản sắc các dân tộc; kết hợp với công nghệ và khát vọng tạo ra những sản phẩm OCOP độc đáo, đặc trưng.

Hộ gia đình ông Hoàng Văn Quốc, dân tộc Tày, thôn Đồng Ké, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình thoát nghèo nhờ ngồn vốn vay ưu đãi để làm dịch vụ xay sát và kinh doanh thức ăn gia cầm. 
 Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, việc Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà được công bố sẽ là động lực phát triển, kinh tế của huyện Yên Bình và cả tỉnh Yên Bái; là định hướng mục tiêu, giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn tích hợp đa giá trị, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với du lịch, làng nghề truyền thống.

Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả cần sớm được cụ thể hóa. “Viên ngọc xanh giữa trời Tây Bắc” không chỉ là cảnh quan, mà còn chuyển tải câu chuyện về những con người đã miệt mài xây nên công trình thủy điện Thác Bà - biểu tượng của tinh thần bất khuất, khát vọng vươn lên, “biến những điều không thể thành điều có thể” của những thế hệ người Yên Bình, Yên Bái.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy khẳng định, phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung, huyện Yên Bình nói riêng sẽ tiếp tục đoàn kết, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển theo đúng quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt./.

PV

Xem thêm