Xây dựng Đảng

Phát huy vai trò tiên phong của đảng viên trong xây dựng nông thôn mới

Hà Tĩnh

Hà Tĩnh xác định rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và tinh thần gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới.

TTXVN - Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể; trong đó, việc xác định rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và tinh thần gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm đổi thay căn bản diện mạo nông thôn.

Những ngày tháng 3/2024, người dân xã Thạch Mỹ (huyện Lộc Hà) vui mừng khi tuyến đường trục xã TX07 được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay, người dân đã có thể thuận lợi di chuyển trên con đường được thảm nhựa rộng hơn 8m. Đây là kết quả của sự đồng lòng, chung sức của người dân với chính quyền trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Khu dân cư tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). 
Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Theo người dân địa phương, nhiều năm qua, tuyến đường đi qua các thôn Hà Ân, Hữu Ninh (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) đã bị hư hỏng, xuống cấp. Trong khi đó, đây là tuyến đường chính để đến các trường học, trạm y tế và trụ sở UBND xã, lượng phương tiện lưu thông hàng ngày rất lớn.

Ông Phan Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ cho biết, tuyến đường trục xã TX 07 xuống cấp gần 7 năm nay. Chính quyền địa phương đã nhiều lần xây dựng phương án đầu tư, nâng cấp, nhưng đến giữa năm 2023 dự án mới có quyết định phê duyệt. Tuy nhiên, nguồn vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai dự án mới chỉ bảo đảm được chi phí xây lắp, còn nguồn lực giải phóng mặt bằng chính quyền xã phải tự bố trí. Vì vậy, trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp, chính quyền phải tính đến phương án huy động người dân.

Theo phương án thiết kế, thi công, tuyến đường trục xã TX 07 có chiều dài 2,2km, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, ảnh hưởng đến hơn 40 hộ dân ở hai thôn Hữu Ninh và Hà Ân. Để thực hiện việc giải phóng mặt bằng với chi phí thấp nhất, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa ra phương án vận động nhân dân hiến đất. Sau đó, chính quyền sẽ hỗ trợ người dân kinh phí xây dựng lại hệ thống hàng rào theo mẫu chung trên toàn tuyến đường.

Ông Lê Tiến Sỹ, Trưởng thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ) cho hay, qua công tác nắm bắt dư luận, phần lớn các hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng dự án đều đồng ý tự nguyện hiến đất, di dời tài sản. Tuy vậy, một số hộ dân còn băn khoăn vì có nhà cửa phải đập bỏ. Vì thế, Chi ủy, Ban Công tác Mặt trận thôn đã thông báo quy mô, phương án thiết kế và cách thức huy động nguồn lực để người dân cùng biết và góp ý kiến. Đặc biệt, trong quá trình giải phóng mặt bằng, các Bí thư, thôn trưởng và các đảng viên thuộc diện phải thực hiện giải phóng mặt bằng đã tiên phong thực hiện việc hiến đất, di dời tài sản để mở đường. Nhờ đó, gần 20 hộ dân đồng thuận và hiến đất, tài sản để mở đường. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh gọn, bảo đảm kịp tiến độ dự án.

Cán bộ Đảng ủy xã Thạch Mỹ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) thăm mô hình trồng hoa do đảng viên làm chủ. 
Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) là một trong những địa phương vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, liên tục của cấp ủy, chính quyền địa phương, quá trình xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (2021 - 2023), xã Thạch Châu đã huy động khoảng 90 tỷ đồng để thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó, ngân sách xã và người dân đóng góp 82%.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Châu Lê Thị Tường Vy cho biết, ngoài việc ban hành nghị quyết, xây dựng chiến lược, lộ trình tổng thể của giai đoạn, hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ xã còn xây dựng riêng một nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, UBND xã cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội đã xây dựng đề án, kế hoạch cho từng phần việc, tiêu chí cụ thể của mỗi tháng, mỗi quý, từ đó phân công cán bộ phụ trách, tập trung lãnh đạo, thực hiện theo tiến độ đã đề ra. Nhờ vậy, việc xây dựng nông thôn mới đã được triển khai có hiệu quả.

Huyện Lộc Hà là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn tại tỉnh Hà Tĩnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai với tinh thần dựa vào nội lực là chính, lấy sự tiên phong của cán bộ, đảng viên làm đòn bẩy để người dân tin tưởng và làm theo.

Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn cho biết, xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Quá trình thực hiện phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện, từ đó lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng.

Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn đã thực hiện tốt vai trò tiên phong, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ với địa phương, cộng đồng dân cư. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên thường xuyên đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn bà con tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngô Đình Long, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2023, các địa phương trong tinh đã vận động người dân hiến hơn 296.000 m2 đất, 36.000 m2 tường rào, đóng góp hơn 258.000 cây xanh các loại. Người dân đóng góp hơn 2 triệu ngày công, làm được 371 km đường giao thông nông thôn, 182 km kênh mương nội đồng, rãnh thoát nước. Tỉnh Hà Tĩnh có 181/181 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 1.181/1.626 thôn đạt chuẩn Khu dân cư nông thông mới kiểu mẫu. Đây chính là cơ sở, động lực để Hà Tĩnh hoàn thành các tiêu chí xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

Hữu Quyết

Xem thêm