Tầm quan trọng của việc phát triển bền vững vùng biên giới đất liền trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức mới nổi về an ninh, xã hội, và kinh tế.
Ngày 13/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo "Phát triển xã hội vùng biên giới đất liền theo hướng bền vững và định hướng giải pháp".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Văn Tuấn nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc phát triển bền vững vùng biên giới đất liền trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức mới nổi về an ninh, xã hội, và kinh tế. Các khu vực biên giới không chỉ là nơi giao thương kinh tế mà còn là điểm giao thoa văn hóa, xã hội giữa các quốc gia, đòi hỏi những chính sách phát triển bền vững, hài hòa.
Ông Chu Văn Tuấn cho rằng việc bảo vệ an ninh con người và đảm bảo quyền lợi của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại vùng biên giới là nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng một xã hội công bằng, ổn định và phát triển. Cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng, để giải quyết những vấn đề chung như tội phạm xuyên biên giới, biến đổi khí hậu và bất ổn xã hội. Đồng thời, ông khuyến nghị các đại biểu tập trung đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững cho vùng biên giới, đảm bảo các lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân địa phương.
Nhà nghiên cứu Linh Giang, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ về vấn đề lao động và việc làm từ thực tiễn tại các tỉnh biên giới trong 10 năm qua. Theo ông, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong việc chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ nhưng chất lượng lao động vẫn còn thấp, công tác đào tạo nghề còn yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt trong thanh niên; quá trình chuyển dịch lao động chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Ông Linh Giang đề xuất giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, chuyển đổi việc làm từ phi chính thức sang chính thức, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt chú trọng công tác dạy nghề.
Theo Tiến sỹ Hoàng Văn Chung và Thạc sỹ Kim Thanh Sản, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các hoạt động lừa đảo xuyên biên giới qua không gian mạng ngày càng gia tăng, khiến biên giới truyền thống không còn đủ bảo vệ người dân trước các hành vi lừa đảo trực tuyến. Điều này đặt ra thách thức lớn cho sự phát triển bền vững, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để giải quyết vấn đề…
Tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực biên giới, bao gồm: Chính sách dân tộc nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện cho các cộng đồng dân tộc thiểu số; an ninh con người tại khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, đặc biệt là trong bối cảnh các thách thức mới về an ninh và tội phạm xuyên biên giới.
Các giải pháp được đề xuất bao gồm tăng cường quản lý biên giới, xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững cho người dân địa phương và đảm bảo an ninh trật tự thông qua việc phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia./.
- Từ khóa:
- Phát triển bền vững
- vùng biên giới