Khoa học

Từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm phát triển trí tuệ nhân tạo của cả nước

Đà Nẵng

Cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là một trong những trung tâm công nghệ cao trọng yếu của cả nước với mục tiêu đạt 10-15% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2025-2030.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh trao quyết định cho đại diện Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng. 
Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Chú trọng phát triển trí tuệ nhân tạo tại Đà NẵngĐịnh hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, Đổi mới Sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á." Trong đó, một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên phát triển là Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Thành phố đang từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo của khu vực miền Trung cũng như cả nước.

*Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống

Hiện nay, ảnh hưởng của AI thời gian qua lớn đến mức buộc Chính phủ Mỹ phải ban hành riêng một sắc lệnh hành pháp về công nghệ này, còn Liên minh châu Âu đã thông qua luật điều chỉnh AI. Tại Việt Nam, AI tạo ra cơ hội mới, cũng đặt ra thách thức đòi hỏi các cấp quản lý, các ngành nghề tìm kiếm giải pháp ứng dụng phù hợp, nhằm tối ưu lợi thế của công nghệ này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống. Cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là một trong những trung tâm công nghệ cao trọng yếu của cả nước với mục tiêu đạt 10-15% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2025-2030.

Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo là đầu mối chuyên trách tham mưu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo thành phố xây dựng, triển khai Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố thời gian tới. Đồng thời, thành phố kỳ vọng Trung tâm trở thành đầu mối tiếp nhận, mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong, ngoài nước.

Đề án “Phát triển y tế thông minh tại thành phố Đà Nẵng” mới được phê duyệt đã góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế hiện đại, chất lượng và hội nhập quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030, Đề án đưa ra tiêu chí 100% các bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy; sử dụng robot trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh...

Đề án nhằm xây dựng và từng bước hình thành hệ thống phòng bệnh thông minh; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời; góp phần xây dựng thành phố thông minh. Ngoài ra, việc triển khai Đề án còn góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh. Đề án giúp đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, xây dựng nền quản trị y tế thông minh…

Ký kết hợp tác giữa Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam-Hàn Quốc và S-LAB (thành viên của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam). 
Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử thành phố Đà Nẵng

Thành phố cũng tổ chức nhiều buổi hội thảo nhằm phát triển trí tuệ thông mình. Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) phối hợp cùng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) tổ chức Hội thảo “Nuôi dưỡng nhân tài trong kỷ nguyên AI và Blockchain”. Hội thảo có sự tham gia của gần 500 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên tại thành phố Đà Nẵng, quan tâm, tìm hiểu về các lĩnh vực trong công nghệ số. Tại buổi lễ, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) đầu tiên với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về việc cung cấp các khóa đào tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp thành viên của VCCI Đà Nẵng, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự, tăng cường hiệu suất công việc và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ngày 12/9, tại Đà Nẵng, Trường Đại học FPT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Mỏ Địa chất và Đại học Quy Nhơn tổ chức Hội nghị quốc tế về Vạn vật thông minh 2024 (ICIT 2024). Hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận, công bố những công trình nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan đến tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hạ tầng mạng IoT (IoT2/AIoT) và công nghệ bán dẫn (semiconductor).

Hội nghị quốc tế về vạn vật thông minh 2024 tại Đà Nẵng
Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

* An ninh mạng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang tăng tốc hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dưới định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm tận dụng công nghệ số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường quản trị và thúc đẩy phát triển xã hội. Theo thống kê, nền kinh tế số hiện đóng góp hơn 18% vào GDP của Việt Nam và dự kiến sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tới.

Là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, Việt Nam đứng trước những thách thức phức tạp liên quan tới an ninh mạng, với những mối đe dọa tấn công bằng mã độc cũng như tấn công dựa trên AI. Nghiên cứu gần đây từ Palo Alto Networks cho thấy ngành sản xuất là lĩnh vực bị tấn công nhiều nhất tại ASEAN, chủ yếu do khả năng hiển thị hệ thống hạn chế và giám sát mạng lưới không đầy đủ. Tại Việt Nam, ngành sản xuất đóng vai quan trọng trong thành công của nền kinh tế, đóng góp tới hơn 20% GDP. Do đó, các vụ tấn công mạng sẽ đe dọa nghiêm trọng tính ổn định của nền kinh tế quốc gia.

Hội nghị "An ninh mạng trong kỷ nguyên Al" diễn ra cuối tháng 8/2024 tại Đà Nẵng
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Palo Alto Networks là một trong những công ty hàng đầu thế giới về an ninh mạng, đáp ứng nhu cầu an ninh mạng thế mới cho hơn 90 nghìn khách hàng trên toàn cầu, trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Công ty bắt đầu cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam từ năm 2011, đến năm 2019 đã chính thức mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.

Theo ông Hoàng Quang Huy, Giám đốc Palo Alto Networks Việt Nam, Al đã thay đổi cách thế giới vận hành, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng. Những kẻ xấu cũng đang lợi dụng AI để tăng tốc, mở rộng quy mô và không ngừng đổi mới các cuộc tấn công, khiến các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều nguy cơ về an ninh mạng hơn bao giờ hết. Để bảo vệ hoạt động của mình, các doanh nghiệp Việt cần đối phó với những mối đe dọa này bằng những giải pháp được hỗ trợ bởi AI và tận dụng những khả năng của mô hình này để tăng cường hiệu quả an ninh và tự động hóa các quy trình an ninh của mình.

Ông Đoàn Quang Hòa, Giám đốc Công nghệ Palo Alto Networks Việt Nam chia sẻ, gần đây, tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể các mối đe dọa mạng như lừa đảo và gian lận, gia tăng các lỗ hổng bảo mật của doanh nghiệp... Khi ứng dụng AI, những rủi ro này tiếp tục gia tăng, thời gian để các vụ tấn công đánh cắp dữ liệu khách hàng ngày càng rút ngắn, thậm chí nhiều tổ chức không biết đã bị tấn công từ lâu. Vì vậy, việc đầu tư vào các giải pháp mạng sử dụng Al là điều bắt buộc, mang tính quan trọng sống còn của tổ chức, doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, vai trò của Al trong các cuộc tấn công và phòng thủ mạng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự đổi mới không ngừng trong các chiến lược an ninh mạng. Chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị đối với các tổ chức, doanh nghiệp: nên phân bổ nguồn lực để triển khai các hệ thống phòng thủ sử dụng AI có khả năng thích ứng với các mối đe dọa; chia sẻ thông tin đe dọa với các đối tác ngành và cộng đồng an ninh giúp tăng cường khả năng phòng thủ tập thể; giáo dục nhân viên về các rủi ro và thực hành đối phó các cuộc tấn công mạng sử dụng AI; thường xuyên cập nhật kiến thức về các công nghệ AI mới và các ứng dụng tiềm năng trong cả phòng thủ an ninh mạng./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm