Thời sự

Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Bắc Giang

Chỉ số “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong Chỉ số cải hành chính ba năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) của Bắc Giang xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố.

TTXVN - Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Chỉ số chuyển đổi số - DTI tỉnh Bắc Giang các năm 2020, 2021 đứng 10/63 tỉnh, thành phố và năm 2022 đứng 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong Chỉ số cải hành chính ba năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố.

Khai trương Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh ủy Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Kết quả nổi bật trong phát triển chính quyền số của tỉnh Bắc Giang trong năm 2023 tiếp tục thể hiện rõ điều này. Hệ thống đường truyền số liệu chuyên dùng được kết nối từ Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đến 10 huyện, thành phố, 209 xã, phường, thị trấn và 10 văn phòng quản lý đất đai cấp huyện; đường truyền mạng WAN kết nối đến các sở, ngành thuộc UBND tỉnh. Đường truyền Internet tốc độ cao của các cơ quan nhà nước, đảng, đoàn thể từ tỉnh đến xã hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ kịp thời việc xử lý, khai thác, gửi nhận thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách... trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, hệ thống Hội nghị họp trực tuyến được triển khai xây dựng từ tỉnh đến 10 huyện, thành phố, 209 xã, phường thị trấn và liên thông 4 cấp (máy chủ điều khiển trung tâm được nâng cấp, đảm bảo năng lực xử lý đồng thời 250 điểm cầu). Hiện nay, hệ thống đã được mở rộng đến 21 điểm cầu ngành giáo dục, 13 điểm cầu ngành y tế, 56 điểm cầu cơ quan khối đảng, đoàn thể, 25 điểm cầu tại đơn vị sở, ngành, địa phương.

Kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 1 đã thực hiện đầu tư xây dựng nền tảng tích hợp, làm sạch, chia sẻ dữ liệu; bước đầu thực hiện tích hợp, làm sạch, hình thành 7 cơ sở dữ liệu dùng chung được tạo lập trên cơ sở 14 nguồn dữ liệu phù hợp với kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh (phiên bản 2.0).

Cổng thông tin không gian (SDI) của tỉnh đã được xây dựng tạo nền tảng để triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý phát triển đô thị nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng phát triển đô thị thông minh trên địa bàn.

Đáng chú ý, UBND thành phố Bắc Giang đã ban hành Kiến trúc ICT Đô thị thông minh thành phố Bắc Giang phiên bản 1.0; hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC giai đoạn 1 từ ngày 19/8/2023 gồm 8 phân hệ chính (kinh tế - xã hội, doanh nghiệp thương mại, giáo dục, y tế, hành chính công, an ninh trật tự, an toàn giao thông, tài nguyên môi trường và quản lý đô thị)...

Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang tiếp tục duy trì, phát triển các hệ thống thông tin dùng chung, các phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành và chuyên ngành của các cơ quan hành chính nhà nước như: Hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc và ký số; Hệ thống thư công vụ; Hệ thống Cổng Thông tin điện tử; Hệ thống Phòng họp không giấy tờ; Phần mềm theo dõi ý kiến chỉ đạo điều hành; Phần mềm số hóa, bản đồ hóa hệ thống thông tin cơ bản của tỉnh; Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết thêm, năm 2024, tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển chính quyền số, phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, tỉnh tập trung hoàn thiện xây dựng Trung tâm dữ liệu chuyển đổi số để phục vụ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn theo hướng hiện đại bằng các công nghệ mới để quản lý tập trung các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền số, đô thị thông minh...

Cùng với đó, Bắc Giang phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng WAN, truyền số liệu chuyên dùng theo hướng thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông mở rộng, nâng cao chất lượng đường Internet cáp quang băng rộng; phủ sóng di động trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện trang thiết bị hệ thống họp trực tuyến, hệ thống mạng LAN, máy tính, máy in, máy quét, thiết bị số hóa... đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, chính quyền.

UBND các huyện, thành phố đầu tư, bổ sung trang thiết bị, hệ thống camera theo dõi, giám sát bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và Trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu hệ thống camera an ninh tỉnh Bắc Giang để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành.../.

 

Việt Hùng

Tin liên quan

Xem thêm