Khoa học

Bắc Giang phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Tỉnh quan tâm phát triển các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số như xây dựng Kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang, tăng cường triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến...

Người dân sử dụng ipad tại bộ phận một cửa tại UBND phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, để tra cứu thông tin. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

(TTXVN) - Theo UBND tỉnh Bắc Giang, từ nay đến năm 2030, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Bắc Giang xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp ủy, chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin. Tỉnh phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tất cả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đặc biệt trên các thiết bị di động. Trên 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật nhà nước). 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh được kết nối, chia sẻ. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% hộ gia đình, 100% đơn vị hành chính cấp xã. Đặc biệt, Bắc Giang xây dựng hai đô thị theo hướng thông minh tại thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên.

Đến năm 2030, Bắc Giang có 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh tại thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên.

Để đạt mục tiêu, Bắc Giang xây dựng Trung tâm dữ liệu chuyển đổi số theo hướng hiện đại, đạt chuẩn tối thiểu Tier 3 bằng công nghệ điện toán đám mây và kiến trúc siêu hội tụ. Tỉnh phát triển hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng chất lượng cao đảm bảo kết nối thông suốt 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã. Tỉnh tập trung phát triển các nền tảng số gồm nâng cấp, phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh, xây dựng nền tảng kết nối dịch vụ số hóa bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo…

Tỉnh quan tâm phát triển các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số như xây dựng Kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang, tăng cường triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số trong quản lý điều hành. Tỉnh phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông và các dữ liệu khác trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS).

Các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp được tỉnh ưu tiên phát triển Cổng dữ liệu mở (Open Data) tỉnh Bắc Giang; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bắc Giang; các giải pháp kết nối với doanh nghiệp viễn thông để triển khai thanh toán các giao dịch có giá trị nhỏ thông qua tài khoản viễn thông (Mobile Money)…

Đến nay, Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Kho dữ liệu số giai đoạn 1 đã thực hiện tích hợp, lưu trữ cơ sở dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu/các kho dữ liệu chuyên ngành của tỉnh; xử lý, làm sạch dữ liệu, hình thành 7 cơ sở dữ liệu dùng chung phù hợp với kiến trúc Chính quyền điện tử (phiên bản 2.0).

Tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển các hệ thống thông tin dùng chung và các phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành và chuyên ngành như Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc và ký số; hệ thống thư công vụ; hệ thống Phòng họp không giấy tờ; phần mềm theo dõi ý kiến chỉ đạo điều hành; hệ thống thông tin báo cáo tỉnh… Hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến được triển khai từ tỉnh đến 10 huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn, với tổng số 277 điểm cầu kết nối, 21 điểm cầu của ngành giáo dục và 13 điểm cầu của ngành Y tế.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được phát triển trên cơ sở hợp nhất Hệ thống thông tin Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công. Đến nay, hệ thống đã bổ sung các phân hệ chức năng phục vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc 25/25 dịch vụ công thiết yếu được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ các nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến là 81,12%; hồ sơ nộp trực tiếp và theo hình thức khác là 18,88%. 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 100% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa./.

Việt Hùng

Tin liên quan

Xem thêm