Khoa học

Tọa đàm "Cơ hội, thách thức và giải pháp trong nghiên cứu, đào tạo khoa học - công nghệ"

Sự hỗ trợ của doanh nghiệp và nhà nước trong việc mở và đào tạo, nghiên cứu các ngành khoa học trọng yếu, cơ bản của đất nước là rất cấp thiết.

Quang cảnh toạ đàm. (Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN)

TTXVN - Ngày 27/7, tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) tổ chức Tọa đàm: "Cơ hội, thách thức và giải pháp trong nghiên cứu và đào tạo khoa học - công nghệ".

Tại Tọa đàm, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, thực trạng hiện nay, nhiều ngành trọng yếu, cơ bản của đất nước vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của xã hội. Xu hướng xã hội đang quan niệm đó là những ngành khó, ít cơ hội tìm việc làm như các ngành: vật liệu, luyện kim, môi trường, dệt may... Do đó, để thu hút nguồn nhân lực đến với các nghiên cứu khoa học cơ bản, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, công tác hướng nghiệp cần phải làm tốt hơn nữa, ngay từ giáo dục phổ thông. Các cơ quan Chính phủ, truyền thông cũng cần phải truyền thông rõ hơn về định hướng nghề nghiệp.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, Trường Đại học Quy Nhơn đồng hành với Quỹ VinIF ngay từ những ngày đầu. Riêng với ngành khoa học dữ liệu là một ngành rất quan trọng đối với quốc gia trong thời đại 4.0. Tuy vậy, nếu không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp và nhà nước, việc mở và đào tạo, nghiên cứu ngành này sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, đối với những ngành trọng yếu khác mà quốc gia chưa kịp giúp đỡ nhiều, sự trợ lực của doanh nghiệp với những Quỹ như VinIF là rất đáng quý để tạo ra một thế hệ trí thức đáp ứng nhu cầu của đất nước trong 5, 10 năm tới.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, những ngành như Hán Nôm hay khảo cổ học đang rất khó khăn trong việc tuyển sinh như một xu hướng chung trong giai đoạn hiện nay. Kho tư liệu về các ngành này, đặc biệt là ngành Hán Nôm, chỉ ở Việt Nam mới có. Nhu cầu lưu trữ, chuyển đổi số các tài liệu, tạo dựng những thư viện phục vụ hoạt động học tập, đào tạo nghiên cứu từ các kho tư liệu này là rất lớn, trong khi ngân sách còn hạn hẹp. Do đó việc trợ lực từ các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế hay doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, lưu trữ, phục chế tài liệu phục vụ các mục đích học thuật là vô cùng cấp thiết.

Từ khi thành lập vào tháng 8/2018 đến nay, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup đã tài trợ trên 100 dự án khoa học công nghệ và văn hóa, lịch sử; cấp 1.200 suất học bổng; hỗ trợ 2.500 nhà khoa học… với tổng kinh phí lên tới gần 800 tỷ đồng, góp phần tiếp sức cho sự phát triển của nghiên cứu khoa học trong nước. Quỹ được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học trẻ thuộc các trường Đại học, Học viện thực hiện nghiên cứu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó Giáo sư Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc cho biết “Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc được đầu tư 70 triệu USD, trong đó 35 triệu USD là không hoàn lại, tập trung vào các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường, y sinh… Đối với việc triển khai các nhiệm vụ khoa học - công nghệ, Viện có 2 hướng là thực hiện theo ngân sách nhà nước, thứ hai là thực hiện theo ngân sách của các Quỹ mà VinIF là một phần tài trợ rất quan trọng.

Phó Giáo sư Vũ Đức Lợi cho rằng, hiện tại, ngân sách chi cho khoa học - công nghệ của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ khoảng 0,53% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực. Tỷ lệ người làm nghiên cứu và phát triển của nước ta so với các quốc gia khác cũng thấp. Bên cạnh đó, trang thiết bị phụ trợ công tác nghiên cứu cũng là một vấn đề nan giải. "Chúng tôi có sự tự chủ, hỗ trợ tối đa cho các nhà khoa học để có thể bù đắp phần nào những khó khăn đó. Mô hình tài trợ của Quỹ VinIF hiện đang trợ giúp Viện rất nhiều trong việc nâng cao hơn nữa, tự chủ hơn nữa, trợ lực hơn nữa cho các nhà khoa học", Phó Giáo sư Vũ Đức Lợi nói.

Theo các nhà khoa học, nhân lực là một yếu tố rất quan trọng, quyết định đến chất lượng của hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học. Để có được nguồn nhân lực khoa học - công nghệ tốt, các trường đại học cần có những chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên để trình độ của họ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, các trường đại học cần xây dựng môi trường làm việc phù hợp, hiệu quả với hoạt động nghiên cứu khoa học để các giảng viên, nghiên cứu viên gắn bó với tổ chức, phát huy năng lực của mình trong công việc giảng dạy và nghiên cứu, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, vị thế của các trường đại học trong xu thế hội nhập hiện nay./.

Hoàng Nam

Tin liên quan

Xem thêm