Khoa học

Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số doanh nghiệp

Hội thảo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức” bàn về vướng mắc, khó khăn trong việc chuyển đổi số của doanh nghiệp nhà nước; chia sẻ kinh nghiệm khi áp dụng công nghệ mới...

Quang cảnh hội thảo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức”. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

TTXVN - Ngày 26/7, Hội thảo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức, thu hút sự tham dự của đông đảo cơ quan quản lý, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giúp cho Chính phủ các quốc gia hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.

Chuyển đổi số gồm 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, bên cạnh hiệu lực của Chính phủ số thì kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, hiện nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số. Nội dung chuyển đổi số của các nước khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của mỗi nước. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng cho lộ trình chuyển đổi số.

Theo Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự xuất hiện của IoT, Big Data, AI, Icloud đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển.

Ở Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội để thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của cả nước. Do đó, hội thảo về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước là hoạt động cần thiết, có ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp có thêm các tham vấn từ chuyên gia, nhà khoa học và kinh nghiệm từ đơn vị đã thành công trong chuyển đổi số; góp phần cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số trong giai đoạn sắp tới.

Các đại biểu đã nêu ý kiến bàn về vướng mắc, khó khăn trong việc chuyển đổi số của doanh nghiệp nhà nước; chia sẻ kinh nghiệm khi áp dụng công nghệ mới; hướng dẫn, thực hiện chuyển đổi số từ chính sách, chủ trương mới…

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, chuyển đổi số mang lại những giá trị lớn cho doanh nghiệp. Trong đó các doanh nghiệp công nghệ số thường có tiềm năng tăng trưởng vượt trội do tính chất đột phá, sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng mở rộng, sức mạnh của công nghệ số làm cho các doanh nghiệp này trở thành tác nhân chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế.

Doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số do có khả năng tăng trưởng cao, tích hợp dữ liệu và phân tích thông minh, tạo ra giá trị cho khách hàng, thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống, kết nối và tương tác hiệu quả và đổi mới liên tục. Nhờ vào những yếu tố này, họ trở thành động lực trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi số của xã hội và kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng, hiện nay, việc chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư chuyển đổi số lớn, thói quen kinh doanh khó thay đổi, tình trạng "trên chỉ đạo, dưới không nghe", thiếu cơ sở hạ tầng, thông tin công nghệ số, lộ trình chuyển đổi số rõ ràng… Tất cả những yếu tố này đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.../.

Phương Hà

Tin liên quan

Xem thêm