Khoa học

Khánh Hòa: Đổi mới và phát triển bền vững kinh tế biển

Khánh Hòa

Hơn 250 nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham gia Hội nghị quốc tế nhằm xây dựng và phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững, hiệu quả.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

TTXVN - Ngày 22/7, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa diễn ra hội nghị quốc tế với chủ đề “Đổi mới và phát triển bền vững 2023”, bao gồm 2 hội thảo chuyên đề kỷ niệm hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Hội nghị được Trường Đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chủ trì và phối hợp với Hội Nghiên cứu biên tập công trình khoa học và công nghệ Việt Nam (VASE) tổ chức, với sự tham gia của hơn 250 nhà khoa học trong và ngoài nước. Hội nghị nhằm xây dựng và phát triển kinh tế biển Việt Nam một cách bền vững và hiệu quả đúng như tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời là cơ hội để cho các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất hiện nay phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển.

Phát biểu chào mừng tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết: Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ 21 -23/7. Trong phiên tổng thể, các nhà khoa học đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Na Uy và Iceland trình bày 4 tham luận. Trong các phiên chuyên đề có khoảng 150 bài báo cáo của các nhà nghiên cứu, là những tài liệu quý làm phong phú thêm hiểu biết về khoa học biển và phát triển bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Phát biểu tại phiên tổng thể, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết: Hội nghị lần này là một trong các sự kiện quan trọng khởi động cho Chương trình "UK/Viet Nam Season 2023" của Hội đồng Anh, nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam - Vương quốc Anh và 30 năm thành lập Hội đồng Anh tại Việt Nam. Hội nghị cũng là dịp để các bên củng cố thêm các mối quan hệ hiện có và tạo thêm nhiều đối tác đổi mới dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia.

“Tôi rất ấn tượng với kết quả mà mối quan hệ hợp tác đối tác này tạo ra trong những năm vừa qua – một mạng lưới với hơn 30 đơn vị đối tác và thu hút được hơn 4 triệu bảng Anh thông qua các nguồn hỗ trợ từ Việt Nam, Vương quốc Anh và các nơi khác. Điều này thể hiện cả chiều rộng lẫn chiều sâu và di sản của mối quan hệ hợp tác, đối tác với những kết quả ấn tượng về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là bằng chứng thể hiện di sản chung về các chương trình hợp tác đối tác của Vương quốc Anh và Việt Nam trong nghiên cứu, phát triển và giáo dục đại học”, bà Donna McGowan khẳng định.

Ban tổ chức trao chứng nhận cho các nhà tài trợ, đồng hành cho hội nghị quốc tế. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Trong phiên tổng thể, nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan cùng thảo luận, chia sẻ những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, thúc đẩy phát triển hiệu quả và bền vững, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.

Giáo sư Ivar Rønnestad, giảng dạy Khoa Khoa học Sinh học tại Đại học Bergen (UiB), Na Uy đã trình bày về dinh dưỡng và sinh lý tiêu hóa ấu trùng cá biển, giáo sư Ivar Rønnestad cho rằng, còn rất nhiều kiến thức về ấu trùng cá biển và phát triển chế độ ăn cho loài vật này vẫn còn nhiều lỗ hổng kiến thức chưa được nghiên cứu hết, bao gồm cả cách mà chúng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền, chế độ ăn uống và môi trường… Do đó, khi nghiên cứu về chủ đề này cần chú ý các đặc điểm trên để có kết quả chuyên sâu hơn.

Trong chiều 22/7 diễn ra hai phiên hội thảo đặc biệt, đó là Hội thảo Vương quốc Anh và Việt Nam về di sản chung của hợp tác đại học - doanh nghiệp bền vững, nghiên cứu có tầm ảnh hưởng, giáo dục số và trao đổi học thuật; Hội thảo Vương quốc Anh - Việt Nam về kỹ thuật sinh học và sức khỏe bền vững, tập trung vào phát triển vaccine bào tử cho Helicobacter pylori và các công nghệ mới cho phát triển bền vững./.

Phan Sáu

Xem thêm