Môi trường

Phát triển công nghệ địa hóa ứng phó với biến đổi khí hậu

Hội nghị khoa học toàn quốc “Địa hóa, môi trường và phát triển bền vững” là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi về phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ Địa hóa ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai.

Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Sáng 22/4, tại Hà Nội, Hội Địa hóa Việt Nam phối hợp với Tổng hội Địa chất Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc “Địa hóa, môi trường và phát triển bền vững”.

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho biết, ngành Tài nguyên và Môi trường đang bước vào quỹ đạo phát triển mới để thực hiện chuyển từ bị động sang chủ động ứng phó ô nhiễm môi trường, bảo tồn tự nhiên dựa vào chuyển đổi chung của xã hội - chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tuần hoàn, quản trị số và quản trị thông minh. Từ sử dụng tài nguyên sang tuần hoàn tài nguyên; khai thác sang đầu tư và bồi hoàn tài nguyên; từ người làm công tác bảo vệ môi trường sang làm kinh tế từ thế mạnh và giá trị của môi trường…. Các quỹ đạo phát triển mới này đều hướng đến đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Hội nghị này chính là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ Địa hóa phát triển bền vững đất nước, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai.

Hội nghị có 2 phần chính: Phần 1: Địa hóa tìm kiếm khoáng sản trong tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa và chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo. Phần 2: Địa hóa ứng dụng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Bàn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Trung Thuận, nguyên Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực kinh tế cụ thể, làm nền tảng để phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thực tiễn. Mô hình kinh tế tuần hoàn được thiết kế và xây dựng dựa trên tiếp cận, nội hàm và các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế tuần hoàn. Với mô hình kinh tế tuần hoàn khai thác, chế biến sa khoáng titan trong cồn cát ven biển, nếu hoạt động khoáng sản theo mô hình tuần hoàn thì sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm chế biến, tiết kiệm tài nguyên đến mức tối đa, nhưng thu lợi nhuận tổng hợp rất cao.

Trong thực tế ở Việt Nam, việc khai thác, chế biến sa khoáng titan ven biển hiện do các công ty tư nhân nhỏ tiến hành. Mỗi công ty chỉ đủ năng lực triển khai một hoặc hai công đoạn của mô hình tuần hoàn, dẫn đến lãng phí tài nguyên và lợi tích kinh tế- xã hội thấp. Vì vậy, xây dựng và phát triển một tập đoàn khai thác, chế biến quặng titan theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhất là đối với vùng quặng titan-zircon trong cồn cát đỏ Bình Thuận hiện rất quan trọng và cần thiết.

Đánh giá địa hóa trong nghiên cứu, khảo sát và thăm dò năng lượng địa nhiệt ở Việt Nam, Tiến sỹ Trần Trọng Thắng, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho rằng, địa hóa là một công cụ quan trọng không thể thiếu trong nghiên cứu, khảo sát và thăm dò địa nhiệt. Trong quá trình khai thác địa nhiệt cho mục đích sản xuất năng lượng hoặc các ứng dụng địa nhiệt khác, địa hóa vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với công tác quan trắc và quản lý bồn địa nhiệt trong quá trình vận hành các công trình khai thác ứng dụng. Cho đến nay, các nghiên cứu về phương pháp địa hóa trong địa nhiệt hầu như chỉ có ở các nước có nền khoa học kỹ thuật tiến tiến, một phần các phương pháp đó đã được áp dụng cho các nghiên cứu địa nhiệt ở nước ta.

Tiến sỹ Trần Trọng Thắng khuyến nghị, các nhà nghiên cứu không chỉ cần kiến thức địa hóa mà còn cần kiến thức địa chất, kiến tạo của khu vực nghiên cứu; tuân thủ nghiên cứu nghiêm ngặt các thủ tục từ quá trình khảo sát, lấy mẫu, phân tích mẫu ở bên ngoài thực địa cũng như trong phòng thí nghiệm.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tham gia thảo luận đến một số nội dung: Nghiên cứu tiềm năng xử lý amoni trong nước sử dụng vật liệu bền tính từ vỏ bưởi; dinh dưỡng vi lượng ở cây trồng quan hệ với môi trường địa hóa và dinh dưỡng ứng dụng trong nông nghiệp… Từ đó, các đại biểu, chuyên gia đề xuất giải pháp hướng tới chuyển đổi số trong lĩnh vực địa chất khoáng sản./.

Diệu Thúy

Xem thêm