Phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn
Trình độ của đội ngũ cán bộ công đoàn đã được năng cao, có phẩm chất, đạo đức, lối sống, gắn bó, gần gũi với đoàn viên, công nhân lao động và đang được trẻ hóa, nhưng phần lớn chưa qua trưởng thành từ phong trào công nhân lao động.
Sáng 19/5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn”.
Các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì tọa đàm.
Báo cáo đề dẫn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Trong suốt chặng đường vẻ vang đồng hành cùng dân tộc, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam rất vinh dự, tự hào đã giáo dục, rèn luyện, đóng góp cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nhiều đồng chí lãnh đạo ưu tú trưởng thành từ phong trào công nhân, công đoàn.
Từ khi thành lập Đảng đến nay, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn là điểm xuất phát, môi trường hoạt động, phấn đấu, trưởng thành của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh và Phạm Thế Duyệt.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự tham gia và khẳng định về năng lực, phẩm chất của các đồng chí cán bộ trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta. Xây dựng đội ngũ cán bộ trưởng thành từ công nhân, công đoàn luôn được Đảng ta quan tâm với nhiều chủ trương, định hướng đúng đắn, khoa học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, xuất phát từ phương thức lao động công nghiệp, có tính công nghiệp, công nhân Việt Nam được rèn luyện về ý thức tổ chức kỷ luật, có tính đoàn kết, gắn kết chặt chẽ với chính giai cấp mình và các lực lượng xã hội khác. Việc xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công nhân, công đoàn, trong đó có đảm bảo tỷ lệ và cơ cấu hợp lý, là quan điểm xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam góp phần tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta.
Ngay từ Đại hội lần thứ IV (1976), Đảng ta đã khẳng định: Qua phong trào cách mạng của quần chúng, phát hiện những người ưu tú; giáo dục, bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng người đủ tiêu chuẩn. Trước hết phải nhằm vào những người ưu tú trong giai cấp công nhân”; “tăng thành phần công nhân trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý”.
Tại tọa đàm, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nhà khoa học, đại biểu tập trung thảo luận dân chủ, thẳng thắn, khách quan, khoa học để làm sâu sắc 3 nhóm vấn đề chính. Đó là cơ sở chính trị, pháp lý về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, Công đoàn; thực trạng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ giai cấp công nhân, Công đoàn; định hướng giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, Công đoàn.
Kết luận tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, công nhân, cán bộ công đoàn trưởng thành, phát triển sang làm lãnh đạo Đảng, quản lý Nhà nước nhiều, nhưng tập trung vào các giai đoạn cách mạng trước đây, còn hiện tại số lượng đang có xu hướng giảm rõ rệt. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự trưởng thành từ cán bộ công đoàn, phần lớn thông qua luân chuyển, chỉ có một thời gian ngắn làm công tác công đoàn. Trình độ của đội ngũ cán bộ công đoàn đã được năng cao, có phẩm chất, đạo đức, lối sống, gắn bó, gần gũi với đoàn viên, công nhân lao động và đang được trẻ hóa, nhưng phần lớn chưa qua trưởng thành từ phong trào công nhân lao động. Tỷ lệ cán bộ xuất thân từ công nhân hầu như không có.
Ông Lê Quốc Minh cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tổ chức (hoặc phối hợp tổ chức) các lớp lý luận chính trị, nghiệp vụ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước cho cán bộ công đoàn; có chiến lược lâu dài trong việc tuyển dụng cán bộ trưởng thành từ công nhân vào hệ thống công đoàn, từ đó đào tạo bồi dưỡng tạo nguồn cho Đảng, Nhà nước.
Bộ Chính trị cho phép Tổng Liên đoàn được tăng cường tính tự chủ tức là có cơ chế tự chủ trong bộ máy, cho phép phân cấp tự chủ về biên chế, tổ chức bộ máy, sử dụng và quản lí cán bộ; đặt cơ cấu thành phần giai cấp công nhân trong tương quan với các giai tầng khác, đảm bảo sự thống nhất giữa số lượng và chất lượng. Trong đó, cần coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; cần có cơ chế tuyển dụng linh hoạt hơn để bổ sung nguồn cán bộ công đoàn, đồng thời tăng cường luân chuyển cán bộ nhằm vừa đa dạng nguồn, vừa giảm “điểm nghẽn” và sức ì của cán bộ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần nghiên cứu đề xuất nội dung đào tạo phù hợp cho cán bộ trong diện quy hoạch sang làm cán bộ bên Đảng và Nhà nước để đáp ứng được những yêu cầu cụ thể của từng vị trí việc làm trong khối chính quyền. Bên cạnh đó là cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi đưỡng và trí thức hóa công nhân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn tạo môi trường để công nhân và cán bộ công đoàn trưởng thành; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho công nhân lao động hiểu không ngừng nâng cao trình độ./.
- Từ khóa:
- Công nhân
- lãnh đạo
- hệ thống chính trị