Tỉnh Quảng Nam kiên định với mục tiêu “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”; xác định xây dựng thương hiệu, hình ảnh “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh” hướng du khách đến nhu cầu hưởng thụ du lịch cao cấp và trách nhiệm.
Sáng 15/8, tại thành phố Hội An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với Ban Điều hành Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên gia mô hình điểm du lịch xanh. Hội thảo thu hút hơn 120 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức du lịch cộng đồng, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ, Quảng Nam sở hữu nhiều lợi thế phát triển du lịch như: Có 2 Di sản Văn hóa thế giới là Đô thị Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn; có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ. Bên cạnh đó, Quảng Nam có bờ biển dài trên 125 km với nhiều bãi biển đẹp, hấp dẫn các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tỉnh sở hữu gần 500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh; gần 70 lễ hội độc đáo, hàng chục làng nghề truyền thống với các giá trị to lớn về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, con người và ẩm thực, tạo thành điểm hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở những lợi thế đó, ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam kiên định với mục tiêu “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”; xác định xây dựng thương hiệu, hình ảnh “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh” nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi tất yếu của ngành, hướng du khách đến nhu cầu hưởng thụ du lịch cao cấp và trách nhiệm.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, gần 3 năm qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam đã giúp Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng Bộ tiêu chí Du lịch xanh, áp dụng cho 6 mô hình là khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng. Đến nay, đã có 25 doanh nghiệp du lịch thuộc lĩnh vực lưu trú, điểm tham quan, doanh nghiệp lữ hành được UBND tỉnh cấp quyết định công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh.
Các đại biểu dự hội thảo đã chia sẻ nhiều tham luận như: Đổi mới, phát triển du lịch xanh Quảng Nam theo cách tiếp cận kinh nghiệm của quốc tế; Đổi mới phát triển sản phẩm và tiếp thị cho du lịch xanh Quảng Nam; Kinh nghiệm quốc tế xây dựng chứng nhận du lịch bền vững của Quảng Nam; Chính sách du lịch xanh cho Quảng Nam nhìn từ Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam...
Đại diện Ban Điều hành Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam cho biết: "Thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Chính phủ Thụy Sỹ đang hỗ trợ thành phố Hội An trở thành điểm đến du lịch bền vững được công nhận trên toàn thế giới. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Nam cập nhật tiêu chí du lịch xanh và giúp các doanh nghiệp du lịch tiếp cận chứng nhận du lịch bền vững quốc tế. Đồng thời, chúng tôi khuyến khích đối thoại công - tư để thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các chính sách tại địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch theo hướng bền vững".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được ban đầu trong gần 3 năm triển khai kế hoạch Phát triển du lịch xanh của tỉnh, ngành Du lịch Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận về kết quả phát triển xanh vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tiêu chí xanh quốc tế, mong muốn của doanh nghiệp, người dân và du khách. Để du lịch phát triển theo hướng xanh, bền vững, đòi hỏi có sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, các chuyên gia, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực du lịch. Hội thảo lần này là dịp để tỉnh tiếp thu những ý kiến tham vấn, chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia du lịch, từ đó nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách, kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy du lịch xanh trong những năm tiếp theo./.
- Từ khóa:
- Phát triển
- du lịch xanh
- kinh nghiệm
- quốc tế