Tham luận của các đại biểu đánh giá Khánh Sơn là một huyện miền núi nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, lưu giữ nhiều văn hóa độc đáo của người dân tộc Raglai, tạo nên tiềm năng phát triển du lịch bền vững.
Trong khuôn khổ Lễ hội Trái cây Khánh Sơn lần thứ III - năm 2024, ngày 11/8, tại thị trấn Tô Hạp, UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo kết nối phát triển du lịch huyện Khánh Sơn năm 2024.
Với chủ đề “ Du lịch xanh - Khánh Sơn hướng đến phát triển du lịch bền vững”, tại hội thảo, tham luận của các đại biểu đánh giá Khánh Sơn là một huyện miền núi nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, lưu giữ nhiều văn hóa độc đáo của người dân tộc Raglai, tạo nên tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Với nền tảng thiên nhiên tươi đẹp và di sản văn hóa phong phú, Khánh Sơn đang hướng đến phát triển du lịch xanh, bảo tồn và phát huy giá trị thiên nhiên, văn hóa địa phương; đồng thời tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Tuy nhiên những tiềm năng nói trên vẫn còn “ngủ quên” chưa được khai thác hết. Sản phẩm du lịch, các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và các dịch vụ khác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch… việc thu hút đầu tư về du lịch còn hạn chế.
Theo ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, huyện có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái và sản xuất nông sản, đặc biệt là sầu riêng. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác đúng mức, chủ yếu do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Tỉnh lộ 9, con đường duy nhất kết nối Khánh Sơn với các vùng lân cận còn nhỏ hẹp và khó đi lại. Huyện cần một hệ thống giao thông liên vùng để phá thế độc đạo của tuyến Tỉnh lộ 9, kết nối với các tuyến đường khác, tạo thành mạng lưới giao thông đa dạng, cơ động, từ đó tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, cho rằng Khánh Sơn cần tranh thủ các nguồn đầu tư để phát triển, đặc biệt là trong việc nâng cấp giao thông kết nối và cải thiện hạ tầng dịch vụ. Ông Nhựt nhấn mạnh, việc phát triển các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, khách sạn là cần thiết để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, huyện cần có các chương trình xúc tiến đầu tư, kết hợp sản phẩm nông nghiệp và du lịch sinh thái để tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Ông Nhựt cũng đề cập đến việc cần đảm bảo thông tin liên lạc trên các tuyến đường và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Phát triển các lễ hội trái cây tại Khánh Sơn sẽ giúp thu hút thêm nhiều du khách, tuy nhiên, Khánh Sơn cần nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch, dịch vụ.
Để phát triển du lịch Khánh Sơn đến năm 2030, huyện cần dựa trên quan điểm tăng trưởng xanh, tuần hoàn và bền vững, chú trọng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Đặc biệt, huyện cần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu du lịch mới, gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Du lịch xanh không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và duy trì khả năng khai thác bền vững trong tương lai.
Tại hội thảo một số đại biểu cho rằng, Khánh Sơn là miền đất hội tụ đầy đủ tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh văn hóa bản địa, truyền thống lịch sử có tính đặc trưng riêng có để phát triển thành điểm đến du lịch đặc thù, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch tỉnh Khánh Hòa. Huyện Khánh Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh. Do đó, việc khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương về tài nguyên du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa nhằm thu hút đầu tư phát triển ngành du lịch ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, tạo sinh kế và công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư, góp phần giảm nghèo bền vững. Qua đó, khẳng định vị thế, xây dựng thương hiệu và bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên; hướng đến mục tiêu phấn đấu đưa Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng.
Đối với Khánh Sơn, du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn đến năm 2025, việc phát triển du lịch gắn liền với phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.