Khoa học

Phát triển Internet công nghiệp Việt Nam tự chủ, đổi mới và kết nối toàn cầu

Internet công nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn là nền tảng cốt lõi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, hiện đại hóa sản xuất.

Nhằm xây dựng, phát triển diễn đàn chuyên môn sâu về công nghệ, kỹ thuật Internet, kết nối chuyên gia trong nước, quốc tế, từ năm 2022, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai chuỗi sự kiện kỹ thuật, công nghệ thường niên VNNIC Internet Conference. Hội nghị là diễn đàn công nghệ lớn về Internet được đánh giá cao về chất lượng nội dung chuyên môn. Tiếp nối thành công, từ 22-25/7/2025 tại Hà Nội, Trung tâm Internet Việt Nam tổ chức sự kiện VNNIC Internet Conference 2025 (VIC 2025) .

Với chủ đề "Kỷ nguyên bứt phá với Internet Công nghiệp", Hội nghị có sự tham dự của hơn 400 lãnh đạo, các chuyên gia hàng đầu về Internet trong nước và quốc tế, các cơ quan quản lý tài nguyên Internet, hạ tầng Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ di động, giảng viên, sinh viên các trường đại học công nghệ…

* Nền tảng cốt lõi cho đổi mới mô hình tăng trưởng

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc VNNIC phát biểu khai mạc phiên toàn thể.
Ảnh: TTN

Phát biểu khai mạc tại phiên toàn thể của VIC 2025 diễn ra ngày 25/7, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc VNNIC chia sẻ, Việt Nam đang trong bước chuyển quan trọng của hạ tầng số từ nền tảng kết nối truyền thống sang kết nối vạn vật: thiết bị, cảm biến, hệ thống sản xuất thông minh. Trong bối cảnh đó, Internet công nghiệp không chỉ là xu hướng mà là nền tảng cốt lõi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, hiện đại hóa sản xuất, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh… Điều này đòi hỏi Internet phải lớn hơn, nhanh hơn, thông minh hơn và an toàn hơn.

Nhấn mạnh VIC 2025 là diễn đàn thảo luận về tiềm năng phát triển bứt phá của Internet công nghiệp, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong giám sát, đo lường, khai thác dữ liệu Internet, xây dựng, phát triển hạ tầng Internet, hạ tầng số và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ cùng chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược Internet công nghiệp, kinh nghiệm triển khai thực tiễn, giải pháp kỹ thuật, xu hướng công nghệ, các cơ hội hợp tác, phát triển cùng cộng đồng.

Ông Nguyễn Trường Giang khẳng định với tinh thần "kết nối cộng đồng – dẫn dắt tương lai phát triển Internet Việt Nam", VNNIC cam kết tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hợp tác quốc tế, hỗ trợ phát triển hạ tầng và năng lực kỹ thuật trong nước. VNNIC đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ sư Việt Nam trên hành trình xây dựng hạ tầng Internet mạnh mẽ, mở, tin cậy để phát triển Internet công nghiệp Việt Nam tự chủ, đổi mới và kết nối toàn cầu.

* Internet công nghiệp định hình tương lai Internet

Nội dung nổi bật về Internet công nghiệp được thể hiện tại phiên toàn thể với chủ đề "Tầm nhìn và chiến lược Internet công nghiệp – hạ tầng cốt lõi của nền sản xuất hiện đại".

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị
Ảnh: TTN

Phần trình bày của Giáo sư danh dự tại Đại học Keio (Nhật Bản) Jun Murai về tầm nhìn toàn cầu hướng tới xã hội kết nối vạn vật; ông Sutrisno Xu, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực Đông Nam Á - Tập đoàn Pegatron về thực tiễn và chiến lược về cách mạng 5G trong bối cảnh Internet công nghiệp…đều đưa ra nhận định, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Internet là nền tảng và cầu nối của mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Internet vạn vật không còn là khái niệm xa lạ. Hàng tỷ thiết bị kết nối mỗi ngày đang tạo nên một mạng lưới thông minh, mở ra những tiềm năng chưa từng có trong lịch sử Internet. Tuy nhiên, điều đang thực sự định hình tương lai Internet chính là Internet công nghiệp khi các dây chuyền sản xuất, robot công nghiệp, cảm biến thông minh kết nối và tối ưu hóa toàn bộ hệ sinh thái sản xuất.

Theo các chuyên gia, Internet công nghiệp là bước phát triển tiếp theo của Internet, dẫn dắt làn sóng chuyển đổi số toàn cầu, kết nối robot, cảm biến, dữ liệu lớn vào chuỗi sản xuất thông minh, tạo ra tiềm năng phát triển khổng lồ về công nghiệp, kinh tế.

Dự báo của The Business Research Company cho thấy thị trường Internet vạn vật công nghiệp toàn cầu sẽ đạt 280 tỷ USD vào năm 2025 và vươn tới 480 tỷ USD vào năm 2029. Đây không chỉ là một cơ hội,mà còn là một cuộc cách mạng mang tính tất yếu trong hành trình xây dựng nền kinh tế số.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định rõ định hướng phát triển hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí", thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu. Internet vạn vật, Internet vạn vật trong Internet công nghiệp là các thành phần then chốt của hạ tầng vật lý – số. Những thành tố này, cùng với hạ tầng viễn thông, dữ liệu, công nghệ số hợp thành kiến trúc nền móng cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong mục tiêu chung đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới.

IPv6, IPv6 only ứng dụng cho Internet công nghiệp và Internet vạn vật trong Internet công nghiệp là bước đi đầu tiên mở ra sự phát triển đột phá cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Việt Nam đã đi trước về triển khai IPv6, đến tháng 6/2025 tỷ lệ ứng dụng đạt 65,5%, đứng thứ 7 toàn cầu. Hiện Việt Nam tiếp tục đón đầu xu thế công nghệ, thúc đẩy triển khai IPv6 only cho giai đoạn 2026-2030, mở ra không gian mới về Internet, phát triển Internet công nghiệp, đổi mới sáng tạo tạo ra dịch vụ mới./.

Hoàng Vân

Tin liên quan

Xem thêm