Phát triển du lịch golf giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút được khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp...
TTXVN - Với bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới, cảnh quan hùng vĩ, khí hậu nhiệt đới, ánh nắng chan hòa hầu như quanh năm, văn hóa bản địa đặc sắc, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ golf thế giới. Du lịch golf được các chuyên gia đánh giá là một sản phẩm tiềm năng, đang phát triển mạnh và đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế đến nước ta.
*Thu hút du khách có khả năng chi trả cao
Du lịch golf (Golf Tourism) là loại hình du lịch thể thao kết hợp giữa chơi golf và khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến. Du lịch golf nhanh chóng thu hút sự quan tâm phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Golf bắt đầu tiếp cận với thị trường du lịch từ khá sớm nhưng gần đây mới được xem xét như một sản phẩm mới trong hệ thống du lịch thể thao giải trí. Tuy mới nhưng du lịch gold đã cho thấy sức thu hút đáng kể, đặc biệt với khách du lịch có khả năng chi trả cao.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO), hiện có khoảng 60 triệu người chơi golf khắp thế giới; chi tiêu cao hơn 2 lần so với du khách thông thường. Do đó, du lịch golf từ lâu đã được coi là ngành kinh tế mang lại lợi nhuận khổng lồ. Tổ chức Du lịch golf thế giới quy tụ 61 quốc gia thành viên với khoảng 638 công ty du lịch golf, chiếm lĩnh 87% thị trường toàn cầu, tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD giao dịch hàng năm với gần 1,9 triệu người chơi thường xuyên di chuyển tới các sân golf. Việc phát triển du lịch golf không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh mà còn thu hút được khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Nói về du lịch golf, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: Golf là ngành công nghiệp đem lại doanh thu lớn, có đóng góp quan trọng đến kinh tế của nhiều quốc gia, cũng là hoạt động giải trí thú vị. Hiện có khoảng 70 triệu người chơi golf với 32.000 sân golf trên khắp thế giới, trong đó từ 5 - 10% khách du lịch chỉ có mục đích duy nhất là chơi golf. Sân golf trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thường dễ thu hút đầu tư du lịch, tạo thêm việc làm, bù đắp đặc tính theo mùa của du lịch truyền thống.
Ông Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, Việt Nam được đánh giá là thiên đường golf lý tưởng của châu Á. Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) đã bình chọn Việt Nam 6 năm liên tiếp là Điểm đến golf hàng đầu châu Á (2017 - 2022) và Điểm đến golf hàng đầu thế giới năm 2019, 2021, góp phần khẳng định thương hiệu, sức hút và vị thế của du lịch golf Việt Nam trong khu vực và thế giới. Tạp chí Asia Golf công nhận Việt Nam là Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Đây là một nguồn khích lệ to lớn cho lĩnh vực giàu tiềm năng này, tạo cơ hội cho du lịch golf trong nước phát triển.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm đến 2030 xác định phát triển hạ tầng, xây dựng sản phẩm golf là một định hướng trọng tâm phát triển tổng thể du lịch nước ta.
Thông tin từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, là một môn thể thao và cũng là một ngành kinh doanh, du lịch golf là loại hình có thể mang lại siêu lợi nhuận. Tại một số quốc gia, doanh thu du lịch golf chiếm tỷ lệ cao trong doanh thu toàn ngành du lịch như Mexico 3,46%; Thái Lan 3,4%, Malaysia 2%... Du lịch golf đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển du lịch ở nhiều quốc gia, phù hợp với xu hướng lựa chọn du lịch sinh thái của du khách trên thế giới, nhất là sau dịch COVID-19.
* Sẽ phát triển mạnh hơn nữa
Theo nghiên cứu của bà Trương Sỹ Vinh và bà Nguyễn Thùy Vân (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam): Trong tương lai, golf sẽ là loại hình giải trí toàn cầu với các thị trường mới đang phát triển ở châu Á, Mỹ La tinh, Trung Đông và Đông Âu. Điều này sẽ đặt nền móng cho sự phát triển của loại hình du lịch golf trong thế kỷ tới, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch chung trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Việt Nam có nhiều lợi thế, đặc biệt là về địa hình, để có thể phát triển các sân golf nói chung và du lịch golf nói riêng. Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch golf là loại hình du lịch mới, có tiềm năng cần được ưu tiên đầu tư phát triển, đặc biệt ở những vùng đất đồi núi không phát triển được nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm thu hút nhóm khách có khả năng chi trả cao, góp phần tăng tỷ trọng du lịch cao cấp của Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam có khoảng trên 50.000 người chơi (năm 2015 là 25.000 người chơi, tăng 1,6 lần). Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tại 20 sân golf ở Việt Nam vào năm 2018, trung bình có gần 40.000 lượt khách tới chơi tại một sân golf. Sân đón nhiều khách nhất lên tới hơn 120.000 lượt và sân đón ít nhất khoảng 7.000 lượt. Lượng khách chơi golf tăng nhanh trong giai đoạn 2014 - 2016 do Việt Nam bắt đầu được biết tới khi khai trương một số sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, giữ mức độ tăng ổn định trong giai đoạn 2017-2018.
Thị trường khách du lịch golf tại Việt Nam gồm hai đối tượng chính là người Việt Nam và khách quốc tế. Trong đó, khách quốc tế chiếm hơn 60% (chủ yếu là khách đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, trong đó, khách Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất) trong tổng lượt khách tới sân golf.
Thị trường khách du lịch golf tới Việt Nam được dự báo sẽ còn gia tăng đáng kể trong thời gian tới khi nhu cầu chơi môn thể này kết hợp với du lịch ngày càng tăng. Có thể thấy, số lượng khách chơi golf này thể hiện được phần nào xu hướng tăng trưởng của thị trường khách du lịch golf tại Việt Nam. Dự kiến tới năm 2025, số người chơi golf tại Việt Nam sẽ vào khoảng 300.000 người. Đây là thị trường tiềm năng để các hãng hàng không, doanh nghiệp hướng tới khách du lịch golf.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) chia sẻ, khách du lịch golf có xu hướng đi du lịch theo cặp đôi hoặc với các nhóm bạn (từ 4 - 16 người) hoặc đi theo sự kiện công ty (từ 40 - 80 người). Các quốc gia hàng đầu gửi khách du lịch golf tại Việt Nam gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và Trung Đông. Khách quốc tế đi theo tour thường lưu trú từ 4 ngày đến hai tuần. Họ chơi từ 2 - 8 sân golf khác nhau khi ở Việt Nam. Chi phí chơi golf chỉ chiếm 1/2 chi phí của khách, còn lại là chi cho lưu trú, ăn uống và vận chuyển.
Dù đang có khả năng phát triển mạnh nhưng để phát triển bền vững, du lịch golf vẫn cần phải dựa trên nguyên tắc du lịch có trách nhiệm từ quá trình lập quy hoạch, quản lý và hoạt động, phù hợp với quy hoạch du lịch của quốc gia và từng địa phương.
Ông Hoàng Nhân Chính nêu một số giải pháp để phát triển bền vững loại hình du lịch này. Đầu tiên là quảng bá Việt Nam là một điểm đến chung cho du lịch golf. Website của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (http://vtga.vn) được sử dụng để quảng bá hình ảnh nhất quán về golf nước ta ra thị trường quốc tế; giới thiệu các tour trọn gói mang đến trải nghiệm đầy đủ về golf, cơ sở lưu trú du lịch, ẩm thực, giải đấu lớn trong và ngoài nước; quảng bá sân golf của Việt Nam…
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy liên kết vùng của các điểm đến golf thông qua thành lập các tổ chức tiếp thị điểm đến golf ở cấp vùng theo mô hình của Liên minh Sân golf vùng duyên hải miền Trung. Phía Bắc có thể kết nối, thành lập Liên minh sân golf gồm: Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương - Hà Nội.
Mặt khác, Việt Nam cần tổ chức các sự kiện golf nhằm thu hút khách quốc tế đến. Đây là cơ hội để giới thiệu các sân golf Việt Nam đến thế giới, quảng bá du lịch, có thể kết hợp hội nghị, hội thảo về golf; chương trình fam trip, press trip. Ngoài ra, vấn đề đào tạo cần được chú trọng nhằm tăng cường nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch golf; phát triển du lịch golf bền vững, có trách nhiệm kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa; tạo chính sách thuận lợi...
Có thể thấy, sản phẩm du lịch thể thao thu hút đông du khách đến Việt Nam hiện nay là golf. Du lịch thể thao golf được dự báo sẽ là một trong các sản phẩm chủ lực của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Thông qua đó, nhiều địa phương có thêm điểm đến mới mẻ, hấp dẫn; nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch nước ta./.