Vĩnh Long có tiềm năng lớn về phát triển du lịch và các sản phẩm, quà tặng du lịch với nhiều làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp độc đáo.
Ngày 3/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Hội thảo phát triển sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch đặc trưng tỉnh Vĩnh Long.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, giới thiệu các tiềm năng, du lịch của địa phương, đồng thời đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch đặc trưng của tỉnh trong thời gian tới. Vĩnh Long có tiềm năng lớn về phát triển du lịch và các sản phẩm, quà tặng du lịch với nhiều làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp độc đáo gắn với tiềm năng kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm, quà tặng du lịch của tỉnh hiện nay chưa xứng với tiềm năng, chưa đa dạng và chưa mang dấu ấn riêng, đủ sức hấp dẫn du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, Đề án phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Long xác định tập trung phát triển du lịch theo hướng sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện. Việc phát triển sản phẩm du lịch, quà tặng, quà lưu niệm du lịch cần phải phù hợp với đặc trưng và mang tính đặc thù của địa phương, phù hợp với tiềm năng sẵn có và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Sản phẩm, quà tặng du lịch phải đa dạng, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng du khách, bền vững và luôn được cải tiến, đáp ứng yêu cầu mẫu mã, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, phát triển sản phẩm du lịch, quà tặng du lịch phải mang lại lợi ích, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị, trong thời gian tới các ngành, các địa phương có liên quan cần xây dựng các chiến lược phát triển sản phẩm, quà tặng du lịch phù hợp với quy hoạch của địa phương, quan tâm đến phát triển các sản phẩm văn hóa đi kèm để mỗi sản phẩm, quà tặng du lịch mang những giá trị, câu chuyện, chuyển tải những nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, sản phẩm, quà tặng du lịch cần chú trọng về mẫu mã, chất lượng để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Các ngành và địa phương cần quan tâm đến quy hoạch vùng nguyên liệu, công tác quảng bá xúc tiến sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử, đặc biệt cần có cơ chế chính sách cho nghệ nhân làm nghề truyền thống, làm ra các sản phẩm, quà tặng du lịch; quan tâm tạo không gian quảng bá, trải nghiệm sản phẩm, quà tặng du lịch. Ngoài ra, các ngành, các cấp cần rà soát toàn diện hiện trạng và nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp các sản phẩm phục vụ thị trường quà tặng du lịch trong từng giai đoạn, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm, hoàn thiện các sản phẩm OCOP gắn với mục đích phát triển du lịch; nghiên cứu đề xuất các cuộc thi sảng tác mẫu quà tặng mang tính độc đáo, phù hợp với từng điểm đến, mang dấu ấn của vùng đất con người Vĩnh Long.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Bách Khoa cho biết, hội thảo đã mang đến những ý kiến đóng góp quý báu thúc đẩy sự phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch đặc trưng của địa phương. Những thông tin, giải pháp được trao đổi tại hội thảo sẽ là tiền đề để Ban Tổ chức đúc kết, đề xuất tỉnh có những định hướng, chính sách phát triển sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch đặc trưng Vĩnh Long. Qua đó góp phần gắn kết hiệu quả chuỗi giá trị du lịch, tăng chi tiêu du khách khi đến địa phương, đồng thời quảng bá nét văn hóa truyền thống của Vĩnh Long đến du khách trong nước và quốc tế./.