Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hải Phòng đề nghị tăng số lượng cấp phó khi tổ chức chính quyền đô thị
Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ cơ sở của việc đề nghị tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, phường, quy định này chưa phù hợp với chủ trương về giảm số lượng cấp phó và chưa tương đồng với một số địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Chiều 9/10, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Tạo động lực phát triển mới
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, xác định vai trò, vị thế quan trọng của thành phố Hải Phòng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW.
Triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp của thành phố, tạo động lực phát triển mới không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho khu vực duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 323/QĐ-TTg và Quyết định số 1516/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng “Xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố” với tính chất “là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục, trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Hải Phòng (trong đó có thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng).
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả của một đô thị có vị trí, vai trò, chức năng riêng biệt, khác với các quận, huyện khác của thành phố Hải Phòng, ngoài quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên, cần thiết đề xuất cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố này cho phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND trong lĩnh vực đô thị, nâng cao chất lượng chất vấn, phản biện chuyên sâu đối với các vấn đề thực tiễn phát sinh đối với xây dựng và phát triển đô thị của thành phố thuộc thành phố. Đồng thời, giảm bớt áp lực công việc cho Ban Đô thị của HĐND thành phố Hải Phòng trong việc giám sát các nội dung liên quan đến đô thị tại thành phố thuộc thành phố khi tổ chức chính quyền đô thị
Trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường, các nhiệm vụ, quyền hạn trước đây do HĐND quận, phường thực hiện sẽ chuyển cho các cơ quan khác thực hiện, trong đó có UBND thành phố thuộc thành phố, quận, phường sẽ tăng thêm nhiệm vụ đối với các cơ quan này. Theo đó, cần thiết phải tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND của thành phố thuộc thành phố, quận, phường để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, toàn diện các công việc của UBND tại các địa bàn.
Dự thảo Nghị quyết quy định, tăng thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND và thành lập Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc thành phố Hải Phòng; tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để bố trí các chức danh Trưởng ban, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc thành phố Hải Phòng (có 2 Phó Chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách).
Thành phố Hải Phòng được bố trí số lượng Phó Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố có không quá 4 người; Phó Chủ tịch UBND quận có không quá 3 người và Phó Chủ tịch UBND phường không quá 2 người.
Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và Phó Chủ tịch UBND tăng thêm được bố trí từ số biên chế giảm do không bố trí các chức danh chuyên trách HĐND quận, phường (103 người) nên không phát sinh tổng biên chế trong hệ thống chính trị của thành phố Hải Phòng, đồng thời quy định này tương đồng với quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Chưa phù hợp với chủ trương về giảm số lượng cấp phó
Tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Hải Phòng để thực hiện ngay mà không cần thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình bảo đảm đầy đủ theo quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Bên cạnh đó, hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội. Do đó, thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù, khác với luật của Quốc hội thì nên được thực hiện thí điểm để bảo đảm đúng theo yêu cầu của Bộ Chính trị và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ cơ sở của việc đề nghị tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, phường để tăng tính thuyết phục, vì quy định này chưa phù hợp với chủ trương về giảm số lượng cấp phó và chưa thực sự tương đồng với một số địa phương khác cũng đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
“Đề nghị nghiên cứu, tham khảo quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, phường tại các địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện mô hình chính quyền đô thị để có quy định phù hợp với quy mô, tính chất đô thị của Hải Phòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho hay, thành phố đã nghiên cứu mô hình của Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tham khảo mô hình của Hà Nội, xem mô hình nào phù hợp, có nhiều ưu điểm, thúc đẩy sự phát triển, thuận lợi cho quản trị địa phương để tiếp thu. Cũng có điểm Hải Phòng đề xuất mang tính chất đặc thù so với các địa phương trên, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.
Lý giải về đề xuất tăng số lượng cấp phó, ông Châu cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó Hải Phòng đề xuất sắp xếp hơn 100 xã, phường, giảm được khoảng 50 đơn vị hành chính cấp xã. Khi sắp xếp, quy mô, tính chất của đơn vị hành chính cấp xã là tương đồng. Số lượng cán bộ thành phố phải sắp xếp rất lớn (hơn 1.000 người), trong khi khối lượng công việc tăng lên, tính chất công việc ngày càng phức tạp, yêu cầu ngày càng cao, do đó địa phương này mong được ủng hộ phương án tăng số lượng cấp phó theo hướng tăng đều (không phân loại đô thị)./.
- Từ khóa:
- Sắp xếp
- đơn vị
- hành chính
- Chính quyền
- đô thị
- Hải Phòng