Nhiều điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp như lĩnh vực thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý…
TTXVN - Ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Đất đai năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt Luật Đất đai năm 2024 cho toàn ngành Tư pháp, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả; nâng cao hiểu biết, nhận thức về Luật và trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong việc thi hành Luật; tổ chức thi hành có hiệu quả trong Bộ, ngành Tư pháp theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp như lĩnh vực thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý…
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 được ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ cần ban hành 16 văn bản quy định chi tiết Luật, gồm: 9 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 6 Thông tư của Bộ trưởng.
Qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy, Luật Đất đai năm 2024 có 18 nội dung giao UBND cấp tỉnh phải quy định chi tiết và 1 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND cấp tỉnh. Điều này đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực của Bộ Tư pháp cũng như các Sở Tư pháp trong quá trình xây dựng, góp ý, thẩm định các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 để đưa Luật vào cuộc sống. Ngoài ra, khi Luật có hiệu lực, một số vướng mắc pháp lý trong một số vụ việc cụ thể có thể phát sinh, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp phải có ý kiến.
Để triển khai thi hành Luật hiệu quả, chất lượng, Bộ, ngành Tư pháp cần chủ động nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Luật Đất đai; hiểu đúng và đầy đủ các điểm mới của Luật này.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật Đất đai giới thiệu những điểm mới của Luật và một số lưu ý cho ngành Tư pháp về: công chứng, chứng thực liên quan đến thực hiện quyền của người sử dụng đất; các quy định liên quan đến thi hành án; xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 tại cấp Trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận với nhóm chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội các nội dung liên quan đến công bố quy hoạch, chuyển nhượng đất trồng lúa, bảng giá đất...
Kết quả của Hội nghị góp phần nâng cao chất lượng góp ý, thẩm định đối với các văn bản của cấp Trung ương và cấp địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng tinh thần và yêu cầu của Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng tham mưu của Bộ, ngành Tư pháp để đảm bảo hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo hiểu đúng và áp dụng đúng, hợp lý quy định của Luật Đất đai năm 2024, cũng như xử lý tốt các vấn đề liên quan trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp, như: Thi hành án dân sự, hoạt động công chứng, đấu giá, đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý...; góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
- Từ khóa:
- Luật Đất đai
- Bộ Tư pháp