Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bảo vệ người lao động và cán bộ Công đoàn
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7 và được thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
TTXVN - Chiều 21/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo Công đoàn các tỉnh, thành phố phía Nam và Công đoàn cơ sở doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, góp ý dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), thể chế hóa tinh thần đổi mới Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Tại hội thảo, ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi), là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động Công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững ổn định trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, giúp Công đoàn Việt Nam phát triển liên tục trong những năm qua.
Theo ông Vũ Minh Tiến, trên cơ sở các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng, phát triển đất nước, việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; các vấn đề mới phát sinh mà luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời, giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức, hoạt động cho tổ chức Công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khái quát toàn bộ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó, nhấn mạnh những thay đổi chủ yếu như: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn, tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; hoàn thiện cơ chế tài chính Công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; hoàn thiện các quy định của pháp luật Công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới…
Ông Lê Đình Quảng nêu một số vấn đề còn nhiều ý kiến như: xác định đối tượng cán bộ Công đoàn chuyên trách, chức danh Tổ trưởng tổ công đoàn; đảm bảo về tổ chức, cán bộ; phương án phân phối kinh phí Công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…
Tại hội thảo, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Luật Công đoàn (sửa đổi) cần đủ mạnh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, bảo vệ cán bộ Công đoàn (tại Điều 10); quy định chi tiết hơn các hành vi phân biệt đối xử chống Công đoàn (tại Điều 9); Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, bao gồm Tổng Liên đoàn Việt Nam là cấp Trung ương và các cấp Công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn (tại Điều 7).
Cùng quan điểm, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đề xuất cần nêu rõ hơn, cụ thể hơn nội dung ở các Điều 7, 10, 27 hướng đến bảo đảm cho cán bộ Công đoàn. Về Quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn, ông Hà cũng đề xuất chọn phương án 2 (của khoản 2) tại Điều 29; về Bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn (ở khoản 2, Điều 26) cần nêu rõ hơn, cụ thể hơn về thời gian cán bộ Công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian tối thiểu để thực hiện nhiệm vụ Công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật lao động. Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm…
Ngoài ra, các đại biểu đã trao đổi, góp ý các vấn đề về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”; về quyền và trách nhiệm của Công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7 và được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025./.