Học viện Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức tọa đàm về phát triển kinh tế, xã hội, gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
TTXVN - Ngày 20/3, Học viện Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức tọa đàm về phát triển kinh tế, xã hội, gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Trung tướng Đỗ Văn Bảnh, Chính ủy Học viện Quốc phòng và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đồng chủ trì tọa đàm.
Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài gần 240 km, tiếp giáp ba tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia là Prey Veng, Svay Rieng và Tboung Khmum; trong đó có 16 cửa khẩu gồm ba cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam), ba cửa khẩu chính (Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân) và 10 cửa khẩu phụ với nhiều đường mòn, lối mở. Đặc biệt, Tây Ninh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu, nhất là thương mại, du lịch với Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới và trong tỉnh luôn được giữ vững. Tỉnh đã tập trung phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng khu vực biên giới ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Nhờ đó, cuộc sống người dân vùng biên giới ngày càng ổn định, góp phần giữ vững từng cột mốc biên cương.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Tây Ninh, nhất các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội. Các đại biểu đề nghị Tây Ninh chia sẻ thêm những kinh nghiệm của địa phương trong phát triển du lịch; củng cố, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống người dân ở vùng biên.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, Tây Ninh là tỉnh biên giới, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Do đó, việc phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới là một trong những chủ trương hàng đầu của tỉnh, nhất là đảm bảo đời sống người dân biên giới ổn định, phát triển. Song song đó là xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại các tỉnh giáp biên; đảm bảo phối hợp tốt trong hoạt động giữa ba lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ, Tây Ninh có đường biên giới dài, địa hình bằng phẳng, có nhiều đường mòn lối mở trong khi lực lượng mỏng. Do đó, việc kiểm soát tội phạm qua biên giới gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin với các địa phương và các lực lượng với nước bạn Campuchia.
Tây Ninh còn có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch khi có núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng… Tỉnh xác định chọn núi Bà Đen là tâm điểm dẫn dắt du lịch của tỉnh, phấn đấu đạt mục tiêu trên 5 triệu lượt du khách đến Tây Ninh trong năm 2024. Đặc biệt, đến năm 2030, Tây Ninh hướng tới mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu để núi Bà Đen trở thành điểm du lịch mang đẳng cấp quốc tế với hơn 10 triệu lượt khách tham quan.
Theo Trung tướng Đỗ Văn Bảnh, tọa đàm đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh Tây Ninh. Qua đó, các đại biểu tích lũy thêm những kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn, từ đó có những đóng góp vào công tác xây dựng, phát triển phù hợp đối với từng bộ, ngành, địa phương.
Dịp này, Học viện Quốc phòng trao 5 căn nhà tặng nhân dân tại Khu dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới (thuộc xã Tân Hà, huyện Tân Châu) trị giá 450 triệu đồng; tặng 50 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học tỉnh Tây Ninh.
Sáng cùng ngày, Trung tướng Đỗ Văn Bảnh, Chính ủy Học viện Quốc phòng dẫn đầu đoàn gồm cán bộ, giảng viên và 70 học viên Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh khóa 94 của Học viện Quốc phòng đã có chuyến học tập, nghiên cứu thực tế về “Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh” tại Chốt dân quân Bàu Sen và Điểm dân cư liền kề thuộc xã biên giới Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh, kết quả triển khai xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 2019 - 2025 đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao sức mạnh tổng thể thế trận lòng dân, tăng cường sức mạnh khu vực phòng thủ, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác phát triển, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, các hộ dân trong Điểm dân cư liền kề được an cư, phấn khởi, tin tưởng vượt khó vươn lên để ổn định và phát triển đời sống kinh tế trên tuyến biên giới.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 32 chốt dân quân biên giới; xây dựng hoàn chỉnh các công trình với tổng kinh phí trên 56,8 tỉ đồng do Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 và tỉnh đầu tư.
Theo Trung tướng Đỗ Văn Bảnh, Đề án xây dựng chốt dân quân thường trực biên giới và Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới đã góp phần tạo thế vững chắc, tăng cường lực lượng, nâng cao sức mạnh bảo vệ biên giới quốc gia. Đặc biệt, mỗi người dân đã phát huy là một “cột mốc sống” cùng với lực lượng dân quân và các lực lượng vũ trang giữ vững biên cương Tổ quốc.
Dịp này, Học viện Quốc phòng tặng ti vi, tủ cấp đông, quạt điện, máy tính trị giá 40 triệu đồng cho Chốt Dân quân thường trực Bàu Sen và các phần quà cho bà con xã Tân Hà.
Đoàn đã đến thăm, dâng hương tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ và có buổi làm việc tại Sư đoàn 5 thuộc huyện Châu Thành./.