Hội nhập

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước, đóng góp vào việc tăng cường quan hệ tổng thể, đáp ứng lợi ích của hai nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai. (Nguồn: quochoi.vn)

TTXVN - Ngày 15/2, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 12 - 15/2.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cùng các thành viên trong Đoàn, mở đầu cho chuỗi các hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, hướng tới nâng quan hệ lên tầm cao mới.

Việt Nam cũng hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác toàn diện, trách nhiệm với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; sẵn sàng phối hợp với Hoa Kỳ trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế tại khu vực, trong đó có vấn đề duy trì tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1988).

Về quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, trong đó quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, tài chính là trọng tâm và động lực quan trọng.

Quan hệ song phương có bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với kim ngạch thương mại hai chiều ước tính đạt hơn 123 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN. Hoa Kỳ cũng luôn là đối tác quan trọng hàng đầu về đầu tư tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, ổn định, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả. Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đổi mới kinh tế toàn diện và đồng bộ, cải cách môi trường kinh doanh để doanh nghiệp nước ngoài mở rộng hoạt động. Việt Nam coi khu vực có vốn nước ngoài là cấu phần quan trọng của nền kinh tế; khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và doanh nghiệp có thế mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước, đóng góp vào việc tăng cường quan hệ tổng thể, đáp ứng lợi ích của hai nước; tiếp tục đối thoại với Việt Nam về vấn đề kinh tế thị trường (MES), đồng thời xem xét áp dụng kinh tế thị trường theo ngành và sớm tổ chức đối thoại tiếp theo về vấn đề này thời gian tới.

Việt Nam cam kết tham gia hợp tác khu vực và quốc tế để thúc đẩy liên kết, hồi phục kinh tế song song với việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, Việt Nam coi trọng khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF); sẵn sàng cùng Hoa Kỳ cũng như các nước liên quan thảo luận về IPEF hướng đến xây dựng một khuôn khổ hợp tác kinh tế mở, bao trùm, cân bằng, linh hoạt, phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên liên quan.

Chúc mừng vai trò chủ nhà APEC 2023 của Hoa Kỳ, Việt Nam đánh giá cao vai trò và đóng góp của Hoa Kỳ đối với APEC cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam ủng hộ chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2023, nhất trí tăng cường hợp tác đẩy nhanh phục hồi kinh tế, liên kết và kết nối toàn diện, tăng trưởng bền vững, bao trùm và duy trì vai trò của APEC là diễn đàn hàng đầu khu vực về hợp tác và liên kết kinh tế, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ hướng tới thành công Năm APEC.

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp, chia sẻ quan điểm trong các lĩnh vực cùng quan tâm như: thúc đẩy môi trường thương mại, đầu tư tự do, mở, minh bạch; tăng cường quyền năng của phụ nữ; ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế số; đào tạo nguồn nhân lực…

Cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã dành thời gian đón tiếp, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết, năm 2023 có rất nhiều hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và đây cũng là năm đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Đặc biệt, trong năm 2023, Hoa Kỳ cũng có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khẳng định nước này luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực.

Bà Katherine Tai thông tin về các ưu tiên, kế hoạch tổ chức Năm APEC 2023 của Hoa Kỳ, tiềm năng và triển vọng của khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng đối với việc thúc đẩy đầu tư chất lượng cao, xây dựng các chuỗi cung ứng khu vực tự cường, tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, giải quyết các thách thức chung của khu vực và nắm bắt cơ hội phát triển mới.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai bày tỏ tin tưởng, với tầm quan trọng của hoạt động hợp tác kinh tế hướng tới sự phát triển toàn diện sẽ góp phần giải quyết được những tồn tại từ trước đến nay; nhấn mạnh sự tham gia của Việt Nam có vai trò quan trọng đối với thành công của khuôn khổ hợp tác kinh tế lần này. Cùng với đó, bà Katherine Tai bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, tăng cường trao đổi về lao động, môi trường, thương mại số, nông nghiệp và sở hữu trí tuệ.../.

V.Đ

Tin liên quan

Xem thêm