Thời sự

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Chuyển từ tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực

Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, các bộ, ngành, địa phương khẳng định tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu. 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu. 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

*Nhận diện đúng và trúng các vấn đề tồn tại pháp lý

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Diễn đàn hướng tới 2 mục tiêu chính; đó là nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang trên đà khôi phục và phát triển hiện nay; làm rõ các vấn đề tồn tại đó xuất phát từ nguyên nhân nào, do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật hay cả hai?

Từ đó, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, nhất là ở khía cạnh áp dụng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; xác định rõ các định hướng để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển.

Diễn đàn tiếp tục khẳng định cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, đó là luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.

Đồng thời, đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển, gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của Đảng và Nhà nước ta.

Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, các bộ, ngành, địa phương khẳng định tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn. 
Ảnh: Vân Chi - TTXVN

*Tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư

Nội dung Diễn đàn tập trung thảo luận 2 vấn đề lớn: Giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và những vấn đề pháp lý về thuế cùng giải pháp tháo gỡ.

Tại phiên thảo luận về một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất, các đại biểu đã trao đổi, nhận diện những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp.

Từ thực tiễn doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này nhưng lại thiếu tính đồng bộ.

Chia sẻ cụ thể về vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, ông Nguyễn Quốc Hiệp thông tin, trong khâu giải phóng mặt bằng, cần tổ chức đối thoại với người dân, khâu này tốn khá nhiều thời gian. Thực tế cho thấy, có những dự án cần đến 38 - 40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian.

Từ thực tiễn trên, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian đồng thời nên có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường. Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao…, Bộ đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

*Phân cấp, phân quyền một cách thực chất

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận đóng góp rất quan trọng của Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã chuẩn bị rất tốt về mặt nội dung; các diễn giả, đại biểu đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng… qua đó đóng góp vào thành công chung của Diễn đàn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương trong công tác xây dựng thể chế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước.

Nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh “đổi mới tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế”, Phó Thủ tướng cho rằng, cần chuyển từ tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực; cần phân cấp, phân quyền một cách thực chất, đồng thời bảo đảm đủ khả năng cho những người, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc.

Theo Phó Thủ tướng, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhiều hơn so với các kỳ họp trước. Trong đó, có các dự án luật được đề xuất theo phương án 1 luật sửa nhiều luật để giải quyết các vấn đề cấp bách của cuộc sống.

Nêu lên những con số tích cực về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Phó Thủ tướng chỉ rõ việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Diễn đàn với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, tập trung vào việc nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc.

Ghi nhận ý kiến đóng góp tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đòi hỏi tổng hợp nhiều yếu tố; trong đó xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách chỉ là một yếu tố. Cần nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức; xem xét có hành lang pháp lý để làm sao cán bộ, công chức yên tâm làm việc. Đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn cũng là những yếu tố cần thiết trong quá trình vận hành nền công vụ.

Đây là lần thứ 2 Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025. Chủ đề, nội dung của Diễn đàn đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII: “thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”./.

Phan Phương

Xem thêm