Thời sự

70 năm Giải phóng Thủ đô: Thêm màu “xanh” cho bức tranh khởi sắc

Hà Nội

Nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Cơ cấu kinh tế ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh, sạch hơn.

Nhờ những chủ trương, quyết sách đúng đắn từ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cùng với sự đồng hành của người dân, bức tranh kinh tế của Hà Nội với nhiều mảng màu trắng, xám khi mới được giải phóng, giờ đây sau 70 năm đã đa sắc, rực rỡ hơn. Cơ cấu kinh tế Thủ đô ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

*Những sắc xanh hy vọng

Đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) được trồng mới 5 tầng cây.
 Ảnh:Tuấn Anh – TTXVN

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Thống kê của ngành chức năng, riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,0%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Có được thành quả đó, cả thành phố luôn nỗ lực tận dụng lợi thế, phát huy nội lực, sức sáng tạo của từng người dân, cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, thành phố luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ưu tiên dành nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển về mọi mặt, trong đó có kinh tế.

Một hệ thống văn bản được ban hành, giúp thành phố có định hướng đúng đắn, điều hành các hoạt động hiệu quả. Có thể kể đến như: Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15/12/2000 “Về nhiệm vụ, phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010”; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đáng chú ý, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, từ đó giúp tạo tiền đề cho Hà Nội quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Thủ đô; mới đây Luật Thủ đô tiếp tục được sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, Hà Nội nằm ở khu vực trung tâm phía Bắc, thuận lợi để phát triển giao thông đa dạng và kết nối dễ dàng với các tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc, cả nước và quốc tế. Hà Nội có lợi thế quy mô thị trường và lợi thế vùng. có cộng đồng doanh nghiệp hiện đại.

Trường THCS Chu Văn An, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì - trường đạt chuẩn Quốc gia, được đầu tư xây dựng theo tiêu chí Nông thôn mới.
 Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thành phố hiện thu hút 2/3 trí thức cả nước. Hà Nội cũng có hàng triệu lao động trình độ cao và tốt của các địa phương trên cả nước thường xuyên sống làm việc. Cộng đồng lao động trẻ chiếm phần lớn trong lực lượng lao động thành phố.

Hà Nội còn có đội ngũ cán bộ lãnh đạo có trình độ, có năng lực, được Đảng, Nhà nước quan tâm, bố trí đầy đủ. Có thể thấy, trong đợt mưa lũ và bão số 3 vừa qua, cán bộ nhiều ngành Thủ đô đã năng động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, tự chịu trách nhiệm nhờ có hệ thống pháp lý giúp họ có thể vận dụng hiệu quả.

Từ những lợi thế đó, 70 năm qua, Hà Nội không ngừng nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Những mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang dần hình thành và phát triển, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô, làm cho bức tranh kinh tế nơi đây thêm sống động với nhiều sắc xanh hy vọng một tương lai tiếp tục tươi sáng.

*Trở thành hình mẫu phát triển của cả nước

Khu vực phía Tây Hà Nội đang ngày càng phát triển.
 Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Vấn đề phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là nhu cầu thực tiễn của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là với Hà Nội-thủ đô của cả nước, nơi tập trung nguồn nhân lực công nghệ cao, kỹ năng công nghệ tốt hơn. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính cho rằng Thủ đô phải giữ vai trò đầu tàu để kéo nền kinh tế của cả nước xanh và tuần hoàn hơn.

Muốn làm được điều này, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đầu tiên, Hà Nội cần có khung chính sách, thể chế cũng như mô hình xanh sạch hơn. Việc nâng cao nhận thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng rất quan trọng. Không chỉ vậy, việc đào tạo nhân lực cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được quan tâm hơn. Việc này rất khó khăn nên cần phải tiến hành ngay từ khâu đào tạo ở cấp phổ thông để ý thức xanh, tuần hoàn đi sâu vào tư tưởng của từng người dân.

Việc thay đổi từ cơ chế sản xuất như hiện nay sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là “cuộc cách mạng” rất lớn do cần nguồn lực tài chính tương ứng. Với việc có tới 98% doanh nghiệp là vừa và nhỏ nên tài chính cũng là bài toán khó cho các đơn vị này. Do đó, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về vốn, chính sách để các doanh nghiệp xanh có thể phát triển được; hỗ trợ các ngân hàng cho vay đầu tư xanh, tận dụng các nguồn lực quốc tế đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh để đầu tư cho doanh nghiệp.

Hà Nội đặt mục tiêu phát triển kinh tế xứng tầm vị thế, tiềm năng của Thủ đô, đúng với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị nói riêng và thông điệp “Yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung.

Đạt được mục tiêu đó, theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn N&G Holding: Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và mô hình một số thủ đô của châu Á, Bắc Âu... để đưa ra một chương trình, hình mẫu cho Thủ đô.

Thành phố cần phát triển lựa chọn các ngành kinh tế mang tính xương sống - căn cốt để phát triển bền vững - xanh sạch cho Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa ra vùng Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Đồng thời, Hà Nội nên có mô hình một vòng tròn lan tỏa để phát triển kinh tế, tức là công nghiệp gắn với nông nghiệp, tiếp đến gắn với y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch... Tất cả gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau, lấy ưu điểm của nhau để phát triển. Nhất định phải lấy sự sống an lành - xanh sạch - hạnh phúc - mức sống tốt nhất cho người dân Hà Nội để làm mục tiêu phát triển. Từ đó Hà Nội làm hình mẫu để phát triển ra cả nước.

Màu xanh giúp cho môi trường sống ở Hà Nội trong lành hơn.
Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: Trong phát triển kinh tế bền vững thì có kinh tế xanh là một giải pháp (giao thông xanh, xây dựng xanh, nông nghiệp xanh). Đặc biệt là Thủ đô mà không sử dụng giải pháp này thì không thể phát triển.

Trong kinh tế xanh có một phần quan trọng là kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn giờ đã có sự thay đổi. Đó là có sự “vòng lại” để tiết kiệm nguyên liệu, tái sản xuất, khi việc tiết kiệm những nguyên liệu không thể tái tạo được có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay.

Trước hết, theo Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, Hà Nội cần đưa ra được những cơ chế chính sách rất cụ thể để khuyến khích nhiều người tham gia vào kinh tế tuần hoàn, để tránh bớt rủi ro, bảo đảm được cuộc sống. Lãnh đạo thành phố trong công tác chỉ đạo nên coi trọng khâu kiểm tra, đôn đốc, giám sát; nếu đang thể hiện có bất cập thì phải điều chỉnh.

Cùng với đó, trong từng giai đoạn cần có đánh giá để điều chỉnh về cơ chế chính sách cho kinh tế tuần hoàn, không chỉ định kỳ mà có thể bất chợt, trong giao ban của thành phố… có đánh giá để điều chỉnh về mục tiêu trong giai đoạn mới./.

Mỹ Bình

Xem thêm