Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo động lực phát triển đất nước
Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp phải cố gắng hơn nữa để tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện, tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế.
TTXVN - Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024, diễn ra chiều 25/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, năm 2023, trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, biến động, tuy nhiên, đất nước ta đã vượt qua các trở ngại, đạt được kết quả đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành Tư pháp. Công việc khó, nhiều, động chạm, tuy nhiên Bộ, ngành Tư pháp đã cố gắng đạt được những kết quả tích cực.
Nhận định năm 2024 có rất nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, bởi nếu làm tốt công tác này sẽ là động lực của sự phát triển, nếu làm không tốt sẽ tạo ra rào cản.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vị thế của đất nước đang đi lên, đòi hỏi thể chế cần tiếp tục hoàn thiện. Điều này tạo áp lực cho ngành Tư pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế. Đây không chỉ là công việc của riêng Bộ Tư pháp mà còn là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị, nhưng vai trò của Bộ Tư pháp là lớn nhất, chịu trách nhiệm tổng hợp, rà soát văn bản chưa hoàn chỉnh.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp phải cố gắng hơn nữa để tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện, tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế. Trong đó lưu ý xây dựng thể chế phải kịp thời, có chất lượng để hạn chế tình trạng sửa luật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 34/2016/NĐ-CP; tính toán xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025.
Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu.
Đối với công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành Tư pháp cần có giải pháp để cán bộ yên tâm công tác, giữ được niềm tin với công việc, gắn bó với ngành. Để làm được điều này, trước hết, các cán bộ lãnh đạo phải nêu cao ý thức gương mẫu và tạo được nguồn năng lượng truyền cảm hứng cho đội ngũ công chức, viên chức.
Ngoài ra, Bộ, ngành Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, các địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số...
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chung tay, góp sức để giải quyết các vướng mắc trong công tác tư pháp và pháp luật, đồng thời mong toàn ngành Tư pháp “chân cứng, đá mềm” nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được trong năm 2023, chỉ rõ tồn tại, hạn chế đồng thời đề xuất nhiều giải pháp triển khai công tác tư pháp năm 2024.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành đề nghị Bộ Tư pháp và Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phát huy kết quả đạt được, kinh nghiệm, phương pháp phối hợp hoạt động để hai cơ quan thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao; nhất là tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV; việc lập và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và tiến độ; hướng dẫn quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Sơn đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp; chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với địa phương thực hiện hiệu quả Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030"./.