Các đại biểu thảo luận về các biện pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của các bên liên quan để thực hiện các biện pháp phục hồi đa dạng sinh học tại Việt Nam.
TTXVN - Chiều 19/5, tại Khu du lịch Sài Gòn – Ba Bể, UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo phối hợp hành động thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam và các đơn vị, tổ chức có liên quan cùng lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Là hoạt động nhằm thúc đẩy các hành động triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu, kỷ niệm Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 22/5/2023, Hội thảo được tổ chức nhằm thể hiện sự quyết tâm, hành động tổng thể của các cấp, ngành và cả cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và sử dụng hiệu quả các giá trị thiên nhiên, đúng như chủ đề của ngày quốc tế đa dạng sinh học "Từ Thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, Hội thảo sẽ là cơ hội để tất cả các bên, từ trung ương, đến địa phương, các khu bảo tồn, các tổ chức trong nước và quốc tế, chia sẻ những cam kết và hành động, để từng bước thực hiện những mục tiêu về bảo tồn mà chúng ta đã cam kết.
Hội thảo đã cung cấp thông tin về kết quả Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học COP15, Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal và định hướng hành động của Việt Nam; các sáng kiến, công cụ kinh tế, kỹ thuật nhằm thúc đẩy thực hiệu Khung đa dạng sinh học toàn cầu tại Việt Nam; đồng thời thảo luận về các biện pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của các bên liên quan để thực hiện các biện pháp phục hồi đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP 15) được Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 12 năm 2022 tại thành phố Montreal, Canada đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, đặt ra các mục tiêu và biện pháp để khẩn trương đảo ngược lại quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong các thập kỉ vừa qua.
Trong đó, các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến sự toàn vẹn, kết nối và phục hồi của các hệ sinh thái, dừng lại sự tuyệt chủng gây ra bởi con người đến các loài nguy cấp, duy trì sự đa dạng của các nguồn gen. Giá trị đa dạng sinh học phải được sử dụng, quản lý và đảm bảo đóng góp của thiên nhiên cho con người không chỉ hiện tại mà trong cả tương lai; thúc đẩy các cơ chế tài chính, tăng cường năng lực thực thi, hợp tác khoa học kĩ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo thực hiện thành công Khung đa dạng sinh học toàn cầu.
Đặc biệt, Khung đa dạng sinh học toàn cầu đã đặt ra mục tiêu bảo tồn "30x30", tức là 30% diện tích đất và biển của trái đất được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khác ngoài khu bảo tồn, đồng thời phục hồi hiệu quả ít nhất 30% diện tích các hệ sinh thái bị suy thoái.
Tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đánh giá, Khung đa dạng này xuất phát từ thực tế tình hình toàn cầu hiện nay, đó là suy giảm đa dạng sinh học, suy giảm hệ sinh thái, mất nguồn gen và việc thực hiện công ước đa dạng sinh học đến nay chưa đạt được yêu cầu, nhất là mục tiêu Aichi. Khung lần này nhấn rất mạnh vai trò của người dân, để đảm bảo quyền người dân và để người dân tham gia công việc này”.
Các ý kiến tại hội thảo đều đánh giá cao nội dung của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal cũng như các mục tiêu Việt Nam đã đưa ra, đồng thời khẳng định sự quyết tâm thực hiện các biện pháp phục hồi đa dạng sinh học tại Việt Nam cũng như toàn cầu thông qua những giải pháp cụ thể.
Bà Phạm Minh Thảo, Giám đốc Bảo tồn đa dạng sinh học của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu, cần rà soát lại các giá trị đa dạng sinh học ở Việt Nam. Với từng khu vực cảnh quan, như với nơi có sự đa dạng sinh học cao - điển hình là các khu bảo tồn, cần đảm bảo việc bảo tồn đa dạng không chỉ thực hiện trong khu bảo tồn mà phải được nâng cao và cải thiện ở cả các khu vực hành lang. Như vậy, khi nói tới giá trị đa dạng sinh học sẽ có không chỉ có vùng đất liền mà có cả vùng bờ, khu vực đất ngập nước, khu vực biển. Việc này cần sự chung tay của tất cả mọi người, không chỉ là các tổ chức tư nhân, tổ chức phi chính phủ mà cần có cả hệ thống, các tổ chức trong và ngoài nước, nhất là cộng đồng dân cư.
Cũng trong chương trình, ngày 20/5, tại Vườn quốc Gia Ba Bể, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) và tổ chức thả cá giống trên hồ Ba Bể./.