Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5): Bảo tồn, phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển
Việc bảo tồn thành công đa dạng sinh học, thiên nhiên tại các khu dự trữ sinh quyển ở nước ta là cơ sở quan trọng để thu hút du khách trong phát triển du lịch.
TTXVN - Là các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái, gìn giữ môi trường sống, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giá trị đặc biệt
Theo Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam, sinh quyển chính là phần của Trái đất có các sinh vật sinh sống, kể cả con người. Từ những loài sinh vật sống dưới đáy biển sâu đến những loài sinh vật trong không khí hoặc sâu trong lòng đất đều thuộc về sinh quyển.
Theo định nghĩa của UNESCO, khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn, giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó, có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.
Năm 2000, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) đã trở thành khu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Cách trung tâm thành phố khoảng 60 km, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - sông Sài Gòn với tổng diện tích trên 75.700 ha, bao gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Đây là nơi sở hữu của trên 300 loài thực vật bậc cao; hệ động vật với trên 640 loài gồm côn trùng, cá, lưỡng cư, bò sát, chim, thú. Ngoài ra, nơi đây còn có các phiêu sinh vật (sinh vật phù du) với khoảng trên 130 loài động vật nổi và thực vật nổi.
Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có các khu bảo tồn các loài động vật, gồm: Khu Bảo tồn chim (Sân Chim Vàm Sát) là môi trường sống của khoảng 2.000 cá thể chim thuộc trên 30 loài, Khu Bảo tồn dơi (Đầm Dơi) nơi trú ngụ của hơn 500 cá thể dơi và Khu Bảo tồn khỉ (Đảo Khỉ) với đàn khỉ đuôi dài hiện đã phát triển được khoảng trên 1.000 con.
Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) khẳng định, hệ sinh thái đất ngập nước ở Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ vô cùng quý giá, có tác dụng tạo mảng xanh đô thị, cảnh quan, phòng hộ, chống xói lở bờ biển, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng và nhiệt độ tăng.
Xuôi về Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những nơi nổi bật là Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau với vùng lõi là khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Dải rừng phòng hộ ven biển Tây Cà Mau. Ngoài ra, các vùng đệm và vùng chuyển tiếp của Khu Dự trữ sinh quyển này bao quanh các vùng lõi làm nên hành lang rộng lớn, đa dạng cảnh quan và hệ sinh thái, gồm: các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi bùn, đầm lầy ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển, lưu giữ nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú, có giá trị bảo tồn cao.
Trong đó, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích trên 41.860 ha (nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Đây là một trong những địa điểm quan trọng thuộc Chương trình Quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và vùng châu Á - Thái Bình Dương, có những đặc điểm độc đáo về địa lý tự nhiên và địa mạo, tạo nên một vùng sinh thái cửa sông ven biển độc đáo. Tại đây có rất nhiều loài thực vật ngập mặn đã được phát hiện; trong đó có quần xã thực vật ngập mặn điển hình gồm: rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa các cây đước, vẹt và rừng mắm thuần loài cùng sự hiện diện của các loài thực vật với số lượng ít như: chà là, ô rô, tra… Hệ động vật tại vườn có các lớp thú, lớp chim với rất nhiều loài có tên trong Sách Đỏ thế giới như: khỉ đuôi dài, bồ nông chân xám, giang sen, rẽ mỏ cong hông nâu. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều loài bò sát, lưỡng cư, cá, tôm, các sinh vật phù du phong phú.
Nhìn từ khía cạnh bảo vệ môi trường, các dải rừng ngập mặn ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có tác dụng quan trọng trong phòng hộ, chống gió, chống xói lở, cải thiện các nhân tố môi trường, giảm biến động nhiệt độ và điều hòa mưa, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bảo tồn, phát triển bền vững
Đề cập về các khu dự trữ sinh quyển đã được thế giới công nhận ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, các khu dự trữ sinh quyển thế giới của nước ta không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà còn đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Tại nhiều Khu Dự trữ sinh quyển, Ban Quản lý đã có những sáng kiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Nhiều khu dự trữ sinh quyển đã thu hút đông đảo du khách tới tham quan, du lịch, gắn với tuyên truyền, nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Đại diện Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thông tin, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, quan trắc, theo dõi diễn biến các tài nguyên rừng với định hướng gia tăng diện tích rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sự phát triển bền vững. Đơn vị chú trọng các hoạt động bảo tồn và phát triển; kết nối các hoạt động bảo tồn và phát triển trong vùng đệm, vùng chuyển tiếp. Cùng với đó, việc đầu tư và phát triển hệ thống cầu, đường bộ, kênh mương, các lối đi trong rừng cũng được Khu Dự trữ sinh quyển quan tâm hoàn thiện, vừa thuận tiện cho công tác kiểm tra, bảo tồn vừa để phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt mới đây, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2030, Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Để đạt mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định là: quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới để địa phương trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững. Cùng với đó, thành phố có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong quản lý, bảo tồn, phục hồi, phát triển diện tích rừng ngập mặn nhằm phát huy tốt nhất vai trò, giá trị của khu dự trữ sinh quyển.
Tương tự, tại Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, các hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cũng được các đơn vị chức năng triển khai bằng nhiều giải pháp như: thường xuyên kiểm tra, giám sát, ghi nhận sự biến động về các loài động thực vật trên lâm phần được giao quản lý; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, nâng diện tích rừng tại khu vực bãi bồi, góp phần mở rộng môi trường sống cho các loài động vật hoang dã, các nguồn gen động, thực vật đặc hữu và quý hiếm.
Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau phối hợp với một số tổ chức, đơn vị thực hiện các dự án như: đặt bẫy ảnh để theo dõi các loài động vật hoang dã; xây dựng bản đồ vi địa hình và quan trắc nước mặt khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ; điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài động vật hoang dã (lưỡng cư, bò sát) tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau…
Gắn kết giữa bảo tồn và phát triển, các hoạt động du lịch sinh thái cũng được đẩy mạnh tại các địa phương có Khu Dự trữ sinh quyển, góp phần tạo sinh kế cho người dân đi đôi với bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển.
Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) cho biết, địa bàn xã đã hình thành các tuyến du lịch, tham quan rừng ngập mặn - bãi bồi, khám phá giếng trời - rừng nguyên sinh, vùng chuyển tiếp từ biển Đông sang biển Tây, cùng với tham quan các điểm đến như: Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, biểu tượng Cột cờ Hà Nội, điểm cuối đường Hồ Chí Minh trên bộ, tạo nét đặc sắc cho du lịch sinh thái gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, sinh thái rừng ngập mặn và các giá trị văn hóa, lịch sử ở vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Khẳng định quan điểm bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn, Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam cho rằng, việc bảo tồn thành công đa dạng sinh học, thiên nhiên tại các khu dự trữ sinh quyển ở nước ta là cơ sở quan trọng để thu hút du khách trong phát triển du lịch. Cùng với đó, các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng được gắn nhãn hiệu chứng nhận gắn với Khu Dự trữ sinh quyển sẽ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, tạo sự phát triển hài hòa, bền vững./.
- Từ khóa:
- đa dạng sinh học
- khu dự trữ sinh quyển
- bảo tồn