Thời tiết

Chủ động ứng phó thiên tai: * Bài 1: Dự báo tác động, giảm thiệt hại

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, công tác dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ giữ vai trò quan trọng, góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres xem hệ thống dự báo lũ quét, sạt lở đất cho khu vực Đông Nam Á tại Trung tâm tác nghiệp Khí tượng thủy văn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

TTXVN - Biến đổi khí hậu kéo theo sự ra tăng của hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, các loại hình thiên tai cũng xảy ra phức tạp, nguy hiểm, tác động nghiêm trọng đến đời sống an sinh xã hội và nguy cơ mất an ninh trật tự. Từ tháng 9/2022, tất cả các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia có thêm thông tin cảnh báo tác động trực tiếp đến con người, cơ sở hạ tầng... Điều này giúp cộng đồng chủ động hơn trong ứng phó, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại. Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm hai bài viết: "Chủ động ứng phó thiên tai".

Bài 1: Dự báo tác động, giảm thiệt hại

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn phát triển đã giúp cho công tác dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai có nguồn gốc từ các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan chuyển biến rõ rệt về cả lượng và chất, cũng như đa dạng hóa hình thức thông tin hướng tới từng đối tượng sử dụng.

* Thực tế từ địa phương

Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng là khu vực chịu ảnh hưởng thường xuyên của nhiều loại hình thiên tai đặc trưng cho khu vực duyên hải miền Trung như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở...

Trung bình mỗi năm, tỉnh Nghệ An hứng chịu 17 đến 21 loại hình thiên tai trên tổng số 22 loại hình thiên tai, gây thiệt hại lớn về người. Thiên tai còn gây thiệt hại về kinh tế cho tỉnh Nghệ An từ 900 đến 1.500 tỷ đồng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, diễn biến thời tiết không theo quy luật, công tác dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ giữ vai trò quan trọng, góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ Lê Hữu Huấn cho biết: “Tùy thuộc vào các các loại hình thiên tai, đặc biệt là bão hay áp thấp nhiệt đới, chúng tôi có thể ra 8 bản tin, nắng nóng 2-3 bản tin, lũ ống, lũ quét 3-4 bản tin mỗi ngày.”

Đánh giá về công tác dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai, ông Lê Đức Thọ, người dân phường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, cho rằng công tác dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ rất chính xác, đề cập cụ thể như bão, mưa, nắng… xảy ra và ảnh hưởng tới từng vùng như thế nào. Điều này giúp người dân chủ động ứng phó, phòng tránh được nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra…

Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ kiểm tra máy đo mưa trong ngày tại Trạm Khí tượng thủy văn Hòn Ngư, Thị xã Cửa Lò. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nhằm nâng cao chất lượng dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ đã chủ động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Với dự báo khí tượng hạn ngắn, Đài đang sử dụng phần mềm hiển thị ảnh mây vệ tinh phân giải cao của Nhật Bản đã được tích hợp thêm sản phẩm mô hình dự báo, ảnh radar thời tiết, số liệu quan trắc khí tượng bề mặt, phân định các loại mây. Hệ thống thu thập, xử lý số liệu và dự báo khí tượng chuyên ngành được cung cấp bởi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; hệ thống bản đồ số hóa theo dõi lượng mưa tự động toàn quốc. Sản phẩm dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão được chuyển giao từ các trung tâm khí tượng uy tín trên thế giới.

Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ, hiện Đài đã cập nhật mạng lưới quan trắc, tự động hóa mạng lưới, đưa vào sử dụng các mô hình dự báo tiên tiến, đội ngũ quan trắc viên, dự báo viên được đào tạo bài bản, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn.

Theo dự báo, trong thời gian tới, tại Nghệ An nói riêng và các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung, thiên tai sẽ diễn ra bất thường, không theo quy luật, các sự cố ngày càng đa dạng về loại hình, mức độ nghiêm trọng. Do đó, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục chủ động xây dựng mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động đủ dày; nhận chuyển giao các nghiên cứu về ứng dụng các mô hình tiên tiến từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các Trung tâm có uy tín trên thế giới để làm tốt công tác dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai.

Để giảm thiểu thiệt hại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị dự báo, lãnh đạo địa phương cũng như các bên liên quan nhằm đưa ra những nội dung cảnh báo tác động sát thực tế, chuẩn xác đến người dân địa phương, giúp họ chủ động hơn trong công tác phòng tránh thiên tai.

“Công tác dự báo thiên tai được cảnh báo rất sớm và tính chính xác rất cao, dựa vào dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai của Cơ quan khí tượng thủy văn. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kịch bản phòng, chống thiên tai rất sát, từ đó giảm thiểu được các thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

* Hiệu quả từ dự báo, cảnh báo sớm

Là tỉnh cực Nam Tổ quốc, Cà Mau được đánh giá là một trong những địa phương “nhạy cảm” và dễ bị “tổn thương” bởi tình trạng biến đổi đang ngày càng gia tăng như hiện nay. Do đó, công tác dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai, đặc biệt là công tác dự báo biển (sóng, triều cường tại các khu vực ven biển nói chung và khu vực biển Tây nói riêng) đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời, sâu, rộng đến từng ngư dân, góp phần giảm nhẹ thiệt hại.

Ngư dân Đặng Hưng, Khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết, hàng ngày thường xuyên theo dõi dự báo tác động và cảnh báo các rủi ro thiên tai từ các hiện tượng thời tiết trên các bản tin của Đài Khí tượng thủy văn địa phương để quyết định xem có ra khơi hay không?

Chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đến mức thấp nhất là tinh thần mà tỉnh Cà Mau đề ra trong suốt những năm qua. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc ưu tiên sức người, sức của để hoàn thiện hạ tầng, nâng cao ý thức người dân thì nhân tố then chốt là làm tốt hơn nữa công tác dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai trước mắt cũng như lâu dài.

Ông Trương Thiện Thi, Dự báo viên, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau cho hay, hàng ngày cùng đồng nghiệp thu thập, phân tích dữ liệu khí tượng thủy văn từ các trạm quan trắc. Trên cơ sở tham khảo bản tin dự báo nền của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đã cụ thể hóa, chi tiết hóa, các bản tin dự báo cho phù hợp với địa phương. Hiện nay, đơn vị quan tâm tới vấn đề dự báo tác động, cảnh báo hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó, khi có khả năng xuất hiện các loại hình thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng thủy văn trên biển, đơn vị sẽ thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời gửi tới Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các ban, ngành, địa phương để chỉ đạo công tác phòng, chống và ứng phó. Thông tin dự báo, cảnh báo sớm còn được phát trên Đài Phát Thanh- Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh các địa phương để người dân biết và phòng tránh.

Tỉnh Cà Mau đang tích cực huy động mọi nguồn lực nhằm bảo vệ đoạn đê xung yếu trước nguy cơ bị vỡ. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời thông tin, trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xã luôn tuân thủ đúng phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Từ đó, công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai đến cộng đồng luôn được xã đặc biệt quan tâm.

Theo thống kê, các loại hình thiên tai phổ biến nhất tại tỉnh Cà Mau, ngoài tình trạng dông lốc, mưa, bão, ngập lụt, xâm nhập mặn, đặc biệt và nguy hiểm hơn cả là tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng cả về mức độ và phạm vi. Trong 10 năm gần đây, sạt lở làm mất hơn 5.000 ha rừng ven biển của tỉnh Cà Mau, tương đương diện tích của một xã. Trước thực trạng trên, công tác cảnh báo, dự báo từ sớm, từ xa được xem như một trong những giải pháp căn cơ, là nền tảng giúp cho công tác phòng, chống thiên tai tại cơ sở phát huy tối đa hiệu quả, bảo đảm an toàn cho đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau nêu rõ, so với trước đây, công tác dự báo hiện nay có nhiều thuận lợi hơn nhờ khoa học công nghệ phát triển, các mô hình dự báo khí tượng thủy văn hạn ngắn, hạn vừa, hạn dài ngày càng hoàn thiện. Đây là cơ sở để các dự báo viên khai thác sản phẩm dự báo từ các mô hình dự báo này, ứng dụng vào công tác dự báo, cảnh báo sớm với độ tin cậy cao hơn. Ngoài ra, các trạm quan trắc khí tượng thủy văn được Nhà nước đầu tư lắp đặt nhiều hơn với công nghệ tự động hóa, hiện đại theo thời gian thực. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo ngày càng tốt hơn, đồng thời các bản tin đã được chi tiết tới cấp huyện; công tác dự báo định lượng, dự báo tác động, phương pháp truyền tin rất nhanh và ổn định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hồng Vũ, Phó ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định, trong thời gian qua, công tác cảnh báo các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau tương đối chính xác. Để thực hiện tốt công tác dự báo, cũng như dự báo từ sớm, từ xa, Trung ương cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ dự báo cũng như quan trắc tự động, để các dự báo về khí tượng thủy văn được cập nhật thường xuyên, liên tục trên các hệ thống quan trắc, phần mềm quản lý của ngành, cũng như trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp đông đảo người dân nắm bắt được thông tin kịp thời và chủ động xử lý các tình huống./.

Bài 2: Phòng ngừa từ xa

Thắng Trung – Tá Chuyên – Huỳnh Anh

Tin liên quan

Xem thêm