Những tác phẩm vẽ về Bác Hồ của các thế hệ họa sĩ gạo cội tại Nam Định đang truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ trẻ ngày nay.
Bằng lối tư duy sáng tạo và bàn tay tài hoa, các họa sĩ Nam Định đã khắc họa hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu qua nhiều bức tranh sống động, chân thực nhằm lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ sau về phong cách làm việc, lối sống giản dị, tất cả vì nước, vì dân của Người.
* Bức tranh về Bác tại lễ mừng chiến thắng
Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng trong căn phòng nhỏ đơn sơ của họa sĩ Dương Đức Điện vẫn lưu giữ nhiều dụng cụ để vẽ tranh và những bức tranh mà ông đã sáng tác. Trong đó có nhiều tác phẩm đặc biệt vẽ về Bác Hồ trong những lần Người về thăm, làm việc tại tỉnh Nam Định. Ngắm lại từng bức tranh đã vẽ, họa sĩ Dương Đức Điện cho biết, ông đã vẽ hàng trăm bức tranh về Bác Hồ, nhưng bức tranh mà ông tâm đắc nhất, dành nhiều công sức và thời gian nhất là bức tranh vẽ chân dung của Bác được treo trên kỳ đài trong lễ mừng chiến thắng năm 1975, tại thành phố Nam Định. Tại buổi lễ mừng chiến thắng đó, bức tranh khổ lớn của họa sĩ Dương Đức Điện vẽ về Bác Hồ bên cạnh lá cờ Tổ quốc được Ban tổ chức đặt trang trọng ngay sau các hàng ghế của đại biểu.
Bức tranh chân dung Bác Hồ của họa sĩ Dương Đức Điện càng nổi bật hơn khi đoàn diễu dành cầm cờ đỏ sao vàng cùng nhiều ảnh chân dung về Bác diễu hành qua kỳ đài. Theo họa sĩ Dương Đức Điện, sau khi được Ban tổ chức nhờ vẽ chân dung về Bác để chuẩn bị cho ngày lễ mừng chiến thắng, ông đã mất nhiều thời gian để lên ý tưởng sáng tác. Sau hơn 1 tuần làm việc miệt mài, ông đã khắc họa thành công chân dung của Bác bằng chất liệu sơn dầu trên vải lớn. Ban tổ chức rất hài lòng bởi bức tranh đã miêu tả chi tiết, chân thực hình ảnh của Bác.
Vẽ về Bác Hồ rất khó vì phải thể hiện được thần thái, phong cách của Người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Ở Nam Định, giới họa sĩ gọi Dương Đức Điện là “chuyên gia vẽ Bác Hồ” bởi bức tranh nào cũng thể hiện được dung mạo, thần thái của Người. Do đó, các trường học, đơn vị, xí nghiệp liên tục đặt hàng vẽ tranh về Bác… Nhiều lúc, ông không vẽ kịp.
Họa sĩ Dương Đức Điện nhớ lại, bức tranh đầu tiên mà ông vẽ về Bác Hồ là khi ông còn học lớp 4 tại Trường tiểu học Bến Ngự (thành phố Nam Định). Khi ấy người dân trong thành phố hân hoan khi Hiệp định Giơ ne vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, đường phố rợp cờ hoa, biểu ngữ, chân dung Bác Hồ… Hình ảnh Bác khi đó đã in sâu trong tâm trí cậu bé Dương Đình Điện. Đến lớp, cậu vẽ lại hình ảnh Bác bằng bút chì trên giấy học trò; sau đó vẽ tặng mỗi bạn trong lớp một bức chân dung về Bác.
Những bức vẽ về Bác Hồ từ thủa học trò đã mở ra cánh cửa hội họa thành công cho họa sĩ Dương Đức Điện. Sau khi tốt nghiệp lớp Họa, Trường Sư phạm nhạc họa, ông về làm tại Phòng Văn hóa thông tin thành phố Nam Định. Tại đây, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị lớn, trong đó có nhiều bức tranh về Bác. Theo họa sĩ Dương Đức Điện, vẽ về Bác phải chú ý đến đôi mắt và nét mặt trong từng hoàn cảnh. Do đó khi vẽ tranh Bác Hồ, ông không cố sao chép các tác phẩm đã có mà thả hồn vào tranh để lột tả sắc màu phù hợp với tâm tình Bác trong từng hoàn cảnh. Nhờ đó, các bức vẽ Bác của ông khiến người xem không bị nhàm chán.
Các bức tranh về Bác Hồ của họa sĩ Dương Đức Điện chủ yếu được vẽ bằng chất liệu bột màu, sơn dầu, ghép gốm màu... Do không được gặp trực tiếp Bác nên trong quá trình thực hiện tác phẩm, ông phải dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng, xem nhiều ảnh chân dung Bác trên báo, tạp chí… để có cảm xúc thể hiện chân dung vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc một cách chân thực nhất.
Trong số hàng trăm bức vẽ về Bác, họa sĩ Dương Đức Điện tâm đắc với những tác phẩm: “Bác Hồ vẫn bên chúng ta” (1967), tranh chân dung khổ lớn về Bác Hồ (1975), “Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt” (1984), tranh gốm màu Bác Hồ (2000), “Bác Hồ thăm nhà trẻ Nhà máy Dệt” (2003)… Bức tranh vẽ Bác gần nhất họa sĩ Dương Đức Điện thể hiện vào năm 2004; đây là bức tranh ông vẽ nhanh nhất chỉ trong một đêm trên tấm pano khổ 3x5m.
Họa sĩ Dương Đức Điện nhớ lại, hồi đó ông vừa đi điều trị ở bệnh viện về sau cơn bạo bệnh. Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng thành phố Nam Định đến nhờ ông vẽ chân dung Bác. Ban đầu ông không nhận lời. Được sự động viên của người nhà cùng lãnh đạo thành phố, ông lại tiếp tục cầm bút, sau đó đã hoàn thành bức tranh theo đúng yêu cầu của Ban tổ chức. Bức tranh đó cũng được đặt trang trọng ngay vị trí trung tâm của của buổi lễ kỷ niệm.
* Thể hiện được thần thái của Người
Tại Nam Định, họa sĩ Vũ Minh cũng rất thành công với thể loại tranh cổ động, đặc biệt đề tài về Bác Hồ. Trong các tác phẩm vẽ về Bác, ông tâm đắc nhất các bức: “Bác Hồ thăm Bảo tàng Dệt”, “Người công dân số một”, “Bác Hồ với công nhân Nhà máy Dệt”, “Bác Hồ về thăm xã Yên Tiến”… Nhiều tác phẩm của ông đã được trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật khu vực và toàn quốc.
Họa sĩ Vũ Minh tâm sự, khi ông ở trong quân ngũ, có lần đơn vị vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Khi đó bộ đội ùa ra đón Bác. Những hình ảnh Bác ân cần hỏi han về điều kiện sinh hoạt, tập luyện, nơi ăn, nghỉ của bộ đội đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với Vũ Minh. Từ đó, ông bắt đầu vẽ tranh về Bác. Những bức tranh truyền tải được hình ảnh dung mạo, thần thái của Người đã được đơn vị treo tại phòng họp, hay những buổi biểu diễn nghệ thuật là động lực để ông theo con đường nghệ thuật.
Sau khi rời quân ngũ năm 1976, ông bắt đầu công tác tại Nhà máy dệt Nam Định. Tại đây, những hình ảnh về Bác Hồ khi đến thăm, trò chuyện cùng với công nhân trong nhà máy đã thôi thúc ông phải có những hình ảnh để lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ sau biết được phong cách làm việc, lối sống giản dị của Người. Từ đó, họa sĩ Vũ Minh đã vẽ rất nhiều tranh cổ động đề tài Bác Hồ, tranh chân dung về Bác.
Họa sĩ Vũ Minh cho rằng, để vẽ được tranh về Bác, ngoài phải am hiểu tường tận quãng đời hoạt động cách mạng của Người, bối cảnh, thời gian, địa điểm…, nghệ sĩ cần có tư duy, góc nhìn đa chiều để thể hiện được đúng thần thái, đặc biệt là tâm hồn, nét mặt, cử chỉ, động tác của Người trong bối cảnh đó.
Những tác phẩm vẽ về Bác Hồ của các thế hệ họa sĩ gạo cội tại Nam Định đang truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ trẻ ngày nay để tiếp tục sáng tác những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, tiếp tục lan tỏa hình tượng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến thế hệ trẻ./.