Chỉ đạo, Điều hành

Phòng khám Quân-Dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng biên giới

Đắk Lắk

Phòng khám Quân - Dân y chăm sóc sức khỏe, giúp người dân yên tâm sinh sống và bám trụ nơi biên cương của Tổ quốc.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp.(Ảnh: nguồn/TTXVN)

TTXVN- Tỉnh Đắk Lắk có hơn 71 km đường biên giới giáp với Campuchia. Địa bàn biên giới gồm 4 xã thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã lần lượt xây dựng các Phòng khám Quân - Dân y trên địa bàn các xã biên giới, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp người dân yên tâm sinh sống và bám trụ nơi biên cương của Tổ quốc.

Xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp được thành lập năm 2006, có 15 dân tộc cùng sinh sống, người dân tộc thiểu số chiếm trên 52%.

Đây là một trong những địa bàn vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100 km, đường xá, phương tiện đi lại còn khó khăn. Do đó, việc tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh cũng phần nào bị hạn chế.

Trước khó khăn của nhân dân, cuối năm 2021 Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm xây dựng Phòng khám Quân - Dân y tại xã Ia Lốp nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

Đến nay, Phòng khám Quân - Dân y đã trở thành địa chỉ tin cậy để tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biên xã Ia Lốp.

Là một trong những bác sĩ mang “quân hàm xanh” công tác lâu năm ở địa bàn biên giới, Đại úy Hoàng Đức Thọ, bác sĩ của Phòng khám Quân - dân y xã Ia Lốp cho biết, đặc thù xã Ia Lốp địa bàn rộng, nhiều thôn nằm cách xa Trạm Y tế xã, do đó từ khi thành lập Phòng khám Quân - Dân y trên địa bàn thôn Đừng Nhạp, bà con rất phấn khởi. 

Riêng trong năm 2022, Phòng khám đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt nhân dân trong xã.

Đặc biệt, đối với những gia đình chính sách, người già đi lại khó khăn, cán bộ phòng khám thường xuyên đến tận nhà để thăm khám, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ tối đa cho nhân dân.

Ông Hà Anh Hợi, thôn Đừng Nhạp, xã Ia Lốp, chia sẻ: Bà con trong thôn là dân di cư theo dự án di dân phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng từ năm 2004.

Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng biên rất khắc nghiệt nên đời sống của người dân còn khó khăn, trong khi đó địa bàn cách trung tâm huyện hơn 30 km, giao thông đi lại khó khăn nên mỗi lúc ốm đau, bệnh tật, rất vất vả trong việc khám, chữa trị. 

Tuy nhiên, từ khi có Phòng khám Quân - Dân y của Bộ đội Biên phòng ngay trên địa bàn thôn, bà con rất phấn khởi. Phòng khám trở thành “điểm tựa” về sức khỏe cho nhân dân khi thường xuyên tổ chức thăm khám, cấp thuốc miễn phí và tư vấn sức khỏe.

Để góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã xây dựng 4 Phòng khám Quân - Dân y trên địa bàn 4 xã biên giới.

Bên cạnh hoạt động khám, chữa bệnh thường xuyên cho nhân dân còn tổ chức nhiều hoạt động kết hợp với các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa ở Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân 4 xã biên giới.

Theo Chỉ huy Trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk Đại tá Đào Viết Hùng, đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, đơn vị có chương trình, kế hoạch cụ thể, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị y tế và nhân lực để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới. Đây cũng là trách nhiệm cao cả của người chiến sĩ biên phòng đối với người dân biên giới, nhất là những bác sĩ mang “quân hàm xanh”. 

Hoạt động của các Phòng khám Quân - Dân y đã góp phần chăm sóc tốt sức khỏe, từ đó giúp người dân ổn định đời sống và đồng hành với Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia./.

Tuấn Anh

Xem thêm