An sinh

Phong trào “Tết nhân ái” 2023 vận động được trên 1.175 tỷ đồng hỗ trợ người khó khăn

Hà Nội

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ 2.619.927 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vui đón Tết.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

TTXVN - Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết Phong trào “Tết nhân ái” 2023 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức chiều 24/2.

Phong trào “Tết Nhân ái” được triển khai từ năm 2023 trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả của Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999. 

Thời gian qua, các cấp hội đã nỗ lực đa dạng hóa các hình thức trợ giúp theo đúng mục đích, yêu cầu của phong trào; chú trọng nhiều hơn đến nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, quyền tham gia, quyết định của người hưởng trong khi thiết kế, tổ chức các hoạt động hỗ trợ người hưởng lợi. Bên cạnh phương thức trao tặng quà truyền thống, hình thức Chợ Tết Nhân ái kết hợp với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ trong không gian văn hóa Tết rộn ràng, ấm áp, vui tươi được tổ chức rộng khắp ở các địa phương, không chỉ hỗ trợ bằng vật chất, còn mang lại các giá trị tinh thần cho người hưởng lợi và người dân cộng đồng. Toàn hệ thống Hội tổ chức được 374 Chương trình “Tết Nhân ái” theo mô hình “Hội Chợ - Tặng quà - Vui Tết” ở các quy mô khác nhau. Một số địa phương phát triển các mô hình chăm lo Tết tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng đặc thù.

 Các cấp Hội đã tích cực hưởng ứng, phát huy tính sáng tạo mang lại sức sống mới cho Phong trào “Tết Nhân ái”. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào “Tết Nhân ái” tập trung, quyết liệt, có trọng tâm, tạo sự thống nhất trong toàn Hội. Trung ương Hội đã chỉ đạo điểm tại 10 tỉnh, thành phố; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn các tỉnh hội triển khai đúng tinh thần “Tết Nhân ái”. Nội dung, hình thức tổ chức thiết thực, gắn với giá trị văn hoá, truyền thống, tập quán của nhân dân đã làm nên sự đặc sắc, độc đáo của “Tết Nhân ái 2023”.

Cách thức truyền thông Phong trào “Tết Nhân ái từng bước được chuyên nghiệp hóa. Các cấp Hội đồng loạt triển khai chiến dịch truyền thông về phong trào; chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương mở chuyên trang, chuyên mục truyền thông về phong trào, trong đó tập trung truyền thông về mục tiêu, ý nghĩa, nét mới của Phong trào...

 Là năm đầu tiên triển khai Phong trào theo các yêu cầu và phương thức mới, các cấp Hội đã tích cực hưởng ứng, phát huy tính sáng tạo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, là năm đầu tiên triển khai phong trào theo các yêu cầu và phương thức mới, các cấp Hội đã tích cực hưởng ứng, phát huy tính sáng tạo mang lại sức sống cho Phong trào “Tết Nhân ái” với những dấu ấn riêng, góp phần lan tỏa rộng khắp tinh thần nhân ái, tạo không khí phấn khởi, vui tươi không chỉ cho người hưởng lợi, còn truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ nói riêng, người tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện nói chung.

Bà Bùi Thị Hoà nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm: Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp hội; đa dạng hóa phương thức, hình thức hưởng ứng, đóng góp của xã hội; thống nhất nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên; vận động, khuyến khích sự tham gia chủ động của người hưởng lợi/ Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh, những bài học này cần được các cấp hội, nhất là các đồng chí lãnh đạo nhận thức đầy đủ để tiếp tục chỉ đạo, tổ chức, triển khai các nhiệm vụ, phong trào, cuộc vận động của Hội thời gian tới.

Toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ tổ chức được 374 Chương trình “Tết Nhân ái” theo mô hình “Hội Chợ - Tặng quà - Vui Tết”. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Từ kết quả đạt được của năm 2023, Trung ương Hội nghiên cứu, rút ra các mô hình tốt để chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng. Các cấp Hội tiếp tục truyền thông mạnh mẽ về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của Phong trào “Tết Nhân ái” nhằm từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng và nhà tài trợ về đóng góp nguồn lực, thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng và cách thức tổ chức hoạt động trợ giúp người hưởng lợi; chủ động chuẩn bị sớm các điều kiện để triển khai Phong trào “Tết Nhân ái” 2024.

Năm 2024, Trung ương Hội  tổ chức chỉ đạo điểm Chương trình “Tết Nhân ái” ở 20 tỉnh, thành Hội và phấn đấu phát triển các mô hình “Hội chợ - Tặng quà – Vui Tết” ở tất cả các cơ sở Hội, lôi cuốn được đông đảo người dân, cộng đồng ủng hộ và tham gia tổ chức các hoạt động của Phong trào.

Trao Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho các tập thể, đơn vị có nhiều đóng góp, đồng hành trong phong trào Tết nhân ái (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Dịp này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tặng bằng khen cho những tập thể, cá nhân, đơn vị có đóng góp tích cực cho Phong trào “Tết Nhân ái” 2023./.


M.H

Xem thêm